1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cuộc di dân lịch sử ở Huế:

Không vì phòng dịch mà chậm tiến độ “cuộc di dân lịch sử”

(Dân trí) - Sáng 22/3, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế-Phan Ngọc Thọ đã kiểm tra tiến độ xây dựng nhà tái định cư cho hộ nghèo thuộc dự án di dân khu vực I Kinh thành Huế và trao giấy phép xây dựng cho các hộ.

Vừa mới thấy sự xuất hiện của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đến kiểm tra tiến độ xây dựng nhà cho các hộ nghèo tại khu vực 2, khu tái định cư Hương Sơ (TP Huế), bà Lê Thị Thùy Vân chạy nhanh về phía đoàn kiểm tra và hô to “Ôn Thọ” (Ôn: Ông - là cách nói thân thương của người Huế - PV) ra thăm bà con ơi".

Trong tâm trạng xúc động, bà Lê Thị Thùy Vân nói: “Tôi vẫn chưa tin sẽ có nhà mới cho đến khi thấy mấy chú thợ đến đào móng xây nhà. Nhìn thấy bộ móng đúc kiên cố này không ai nghĩ Nhà nước đang xây nhà cho hộ nghèo mà người dân lại không tốn một đồng nào. Cả ngàn người khi đi qua đây đều tỏ ra ngạc nhiên không tin đây là nhà của hộ nghèo bởi mẫu thiết kế đẹp, hệ thống móng vững chắc”.

Không vì phòng dịch mà chậm tiến độ “cuộc di dân lịch sử” - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ trò chuyện với bà Lê Thị Thùy Vân bên căn nhà đang xây

Bà Vân cho biết thêm, trước đây nhà bà ở trên Thượng Thành thuộc đường Xuân 68 trong nhà chật chội nhưng có đến 8 khẩu với 3 thế hệ. Từ khi bàn giao đất cho Nhà nước để ra phường Hương Sơ xây nhà mới, bà xin Ban quản lý 1 khoảng đất trống trước nhà đặt một hàng nước nhỏ để buôn bán có đồng vô đồng ra và được sự đồng thuận của chính quyền.

“Tui cứ nhớ đêm giao thừa vừa rồi "Ôn Thọ" còn ra tận khu vực nơi tụi tui ở. Ôn cùng ăn tất niên, rồi lì xì cho dân nghèo nữa. Người dân nghèo tụi tui biết ơn “Ôn Thọ” lắm. Nhờ có "Ôn" mà tui và hàng trăm người khác có nơi ở mới!" - bà Vân nói bằng tấm lòng cảm kích.

Bà Vân là một trong số 25 hộ nghèo sống ở khu vực Thượng Thành được nhà nước xây dựng nhà bằng hình thức “chìa khóa trao tay”. Cạnh đó, ông Thân Văn Hiệp là cháu họ của bà Lê Thị Hồ (gần 90 tuổi, hộ nghèo neo đơn) đang trông coi vật liệu xây dựng, khi thấy Chủ tịch  Thọ đến thăm hỏi, động viên đã rất xúc động.

Không vì phòng dịch mà chậm tiến độ “cuộc di dân lịch sử” - 2
Không vì phòng dịch mà chậm tiến độ “cuộc di dân lịch sử” - 3

Ông Phan Ngọc Thọ trao giấy phép xây dựng cho các hộ dân

Ông Hiệp cho biết, nguyện vọng của dì Hồ là có một nơi thờ tự lúc cuối đời nay sắp thành hiện thực. “Thay mặt dì, cho tui cảm ơn và gửi lời chúc sức khỏe đến “Ôn Thọ” và chính quyền địa phương. Chúc "Ôn" mãi có nhiều sức khỏe để lo cho dân nghèo như tụi tui”- ông Hiệp nói. 

Sau khi thị sát tình hình tiến độ xây nhà cho hộ nghèo, ông Phan Ngọc Thọ đề nghị, UBND TP Huế cùng đơn vị thi công tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công. "Không vì phòng dịch Covid-19 mà làm chậm tiến độ xây dựng nhà tái định cư cho bà con; phải đẩy nhanh tiến độ, sớm được ngày nào thì tốt cho bà con ngày đó; trong quá trình thi công phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, có sự giám sát của nhiều đơn vị và của chính các hộ dân" - Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh

Không vì phòng dịch mà chậm tiến độ “cuộc di dân lịch sử” - 4

Kiểm tra tiến độ thi công các nhà cho người dân Thượng Thành. Hiện nhà thầu xây dựng đang triển khai nhanh xây dựng nhà cho bà con; có nhà đang làm móng, có nhà đã xây dựng, có nhà đang làm công trình phụ...

Trong 25 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở trong đợt này có những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị UBND TP Huế phải có những chính sách đặc biệt cho các hộ nghèo đặc biệt, huy động từ các nguồn để hỗ trợ thêm cho bà con trong thời gian chờ đợi về nhà mới cũng như sau khi bàn giao nhà. "Phải làm sao để không có hộ nghèo nào bị bỏ lại phía sau, để khi đến nơi ở mới, mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp hơn" - ông Thọ nói.   

Cũng trong ngày 22/3, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến khu vực 1, Khu tái định cư Hương sơ thăm hỏi, động viên hàng chục hộ dân đang xây nhà mới. Tại đây, chủ tịch UBND tỉnh đã trao giấy phép xây dựng cho hàng chục hộ dân. Ông Thọ đã chỉ đạo lãnh đạo UBND TP Huế hỗ trợ người dân các thủ tục để nhanh chóng hoàn thiện nhà trước mùa mưa bão 2020.

Một số hình ảnh được PV ghi nhận:

Không vì phòng dịch mà chậm tiến độ “cuộc di dân lịch sử” - 5

Hệ thống điện, đường tại khu tái định cư Hương Sơ cho cư dân Thượng Thành đã gần xong xuôi

Không vì phòng dịch mà chậm tiến độ “cuộc di dân lịch sử” - 6

Một nhà đang tiến hành xây công trình phụ

Không vì phòng dịch mà chậm tiến độ “cuộc di dân lịch sử” - 7

Những nhà đang đào móng

Không vì phòng dịch mà chậm tiến độ “cuộc di dân lịch sử” - 8

Một ngôi nhà đang thành hình

Không vì phòng dịch mà chậm tiến độ “cuộc di dân lịch sử” - 9

Hàng chục hộ dân nghèo ở Thượng Thành đã chủ tịch UBND tỉnh trao giấy phép xây dựng trong ngày 22/3

Được biết Dự án di dời, tái định cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế (thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản văn hóa vật thể thế giới được UNESCO công nhận năm 1993) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng Chính phủ có chủ trương thực hiện tại Thông báo 26/TB-VPCP ngày 17/1/2018. Đây được xem là “cuộc di dân lịch sử” bởi số lượng người rất lớn, tồn tại qua nhiều đời lãnh đạo nhưng chưa làm được. Đa số người dân ở đây đều sống "chui" trên khu vực các bờ thành (Thượng Thành) của Kinh thành Huế từ sau giải phóng 1975.

Không vì phòng dịch mà chậm tiến độ “cuộc di dân lịch sử” - 10

Có gần 3.000 hộ dân sống "chui" trên khu vực các bờ thành thuộc Kinh thành Huế sẽ được di dời giai đoạn 2019-2021 tới khu tái định cư với các ưu đãi như cấp đất, cấp tiền làm nhà...

Theo phương án di dời, dự kiến sẽ có hơn 4.200 hộ dân thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế được di dời. Giai đoạn 1 (2019-2021), khu vực được ưu tiên di dời trước là phạm vi di tích Thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ với khoảng 2.938 hộ dân. Trước mắt trong năm nay 2020 sẽ giải phóng mặt bằng, tái định cư cho 523 hộ dân thuộc khu vực Thượng Thành. Các hộ dân sẽ được di dời đến khu tái định cư phường Hương Sơ, TP Huế.

Đại Dương