1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thừa Thiên Huế:

Bí thư Tỉnh ủy gửi thư kêu gọi ủng hộ cuộc di dân lịch sử hơn 4.000 hộ

(Dân trí) - Ngày 2/11, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu vừa có thư kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm... đối với các hộ nghèo, hộ khó khăn thuộc Dự án di dời, tái định cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế.

Việc di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế là một trong những nhiệm vụ, công trình, dự án trọng điểm của tỉnh trong năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ có chủ trương thực hiện tại Thông báo 26/TB-VPCP ngày 17/1/2018.

Trong thời gian cuối năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện Dự án di dời, tái định cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế, thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Chủ trương của tỉnh đã được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân quan tâm, ủng hộ.

Bí thư Tỉnh ủy gửi thư kêu gọi ủng hộ cuộc di dân lịch sử hơn 4.000 hộ - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Phan Ngọc Thị đi thị sát đời sống khổ cực của cư dân sống "treo" quanh Kinh thành Huế

Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân khu vực này đều thuộc diện hộ nghèo, đời sống hết sức khó khăn, đặc biệt là trong quá trình di dời, tái định cư sắp tới. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đóng góp, ủng hộ người nghèo thuộc Dự án có thêm điều kiện để sớm ổn định cuộc sống.

Bí thư Tỉnh ủy gửi thư kêu gọi ủng hộ cuộc di dân lịch sử hơn 4.000 hộ - 2

Hàng nghìn căn nhà quá xuống cấp, dột nát không được sửa chữa

Trong hơn 4.000 hộ dân sống “treo” quanh khu vực Kinh thành Huế, hầu hết đều sống trong khu vực I di tích không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ. Người dân ở đây có cuộc sống rất khổ cực, đã dựng nhà trên tường thành với lối vào duy nhất là những chiếc thang bắc từ đường lên thành. Nhà không có cống thoát nước, mọi nguồn nước sinh hoạt thải trực tiếp ra khu vực tường thành. Nhà không được làm hay sửa chữa theo Luật Xây dựng và Luật Di sản nên hàng nghìn người dân luôn sống thấp thỏm, khổ sở trong những căn nhà xập xệ chờ sập...

Theo phương án di dời, dự kiến sẽ có hơn 4.200 hộ dân thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế được thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2021 và chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2019-2021), khu vực được ưu tiên di dời trước là phạm vi di tích Thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ với khoảng 2.938 hộ dân.

Riêng trong cuối năm 2019 này, tỉnh sẽ hoàn thành di dời, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho 523 hộ dân thuộc khu vực Thượng Thành.

Bí thư Tỉnh ủy gửi thư kêu gọi ủng hộ cuộc di dân lịch sử hơn 4.000 hộ - 3

Các "con đường" đi đến nhà cư dân Thượng thành là những... chiếc thang bắc lên bờ thành.

Bí thư Tỉnh ủy gửi thư kêu gọi ủng hộ cuộc di dân lịch sử hơn 4.000 hộ - 4

Hơn 4.000 hộ dân cần được di dời ra khỏi Kinh thành để trả lại sự nguyên thủy như xưa của hệ thống Kinh thành Huế. Đa số người dân ở đây đều sống "chui" từ sau giải phóng 1975

Giai đoạn 2 (2022-2025) sẽ di dân ở quanh các di tích còn lại như: Hồ Tịnh Tâm và Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ và hệ thống hồ thuộc 4 phường nội thành cùng di tích Trần Bình Đài với khoảng 1.263 hộ dân.

Kinh phí di dời, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là khoảng hơn 2.800 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ bố trí kinh phí để đầu tư hạ tầng khu dân cư mới để chuẩn bị phục vụ tái định cư trước khi di dời dân cư, với diện tích khoảng 73 hecta, dự kiến khoảng hơn 1.360 tỷ đồng.

Trong đó, kinh phí để thực hiện giai đoạn 1 là hơn 1.880 tỷ đồng. Quy mô kinh phí là quá lớn so với khả năng ngân sách địa phương. Đến nay, Chính phủ đã bố trí 100 tỷ đồng. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết sẽ vay khoảng 1.000 tỷ đồng để thực hiện dự án; hoặc sẽ xin Chính phủ tạo điều kiện bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu văn hóa của tỉnh 2 năm 2019 và 2020, hoặc cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với di sản quần thể di tích cố đô Huế giai đoạn 2019 - 2020 theo Luật Di sản văn hóa. Cụ thể, tỉnh sẽ được để lại và sử dụng toàn bộ nguồn thu phí từ tham quan di tích Huế cho việc thực hiện “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế” và trùng tu di tích…

Bí thư Tỉnh ủy gửi thư kêu gọi ủng hộ cuộc di dân lịch sử hơn 4.000 hộ - 5

Chủ tịch tỉnh dẫn bà con cư dân Thượng thành đến xem khu tái định cư được phân lô đất cho từng hộ vào Chủ nhật tuần trước 27/10.

Hiện khu tái định cư cho người dân sống “treo” quanh Kinh thành Huế  nằm ở phía Bắc Hương Sơ, TP Huế phục vụ cho việc di dời dân cư đợt 1 có diện tích khu vực 1 là 4,98 hecta và khu vực 2 là 4,90 hecta có tổng kinh phí gần 110 tỷ đồng, với gần 500 lô đất tái định cư đã gần hoàn tất. Các bước cuối cùng đang được triển khai như xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm các hạng mục san nền; đường giao thông; điện chiếu sáng; viễn thông; hệ thống cấp nước, thoát nước; điện sinh hoạt; cây xanh; trường mầm non với thiết kế 2 tầng và 16 phòng học. 

Bí thư Tỉnh ủy gửi thư kêu gọi ủng hộ cuộc di dân lịch sử hơn 4.000 hộ - 6

Khu tái định cư ở Bắc Hương Sơ, TP Huế cho 523 hộ dân đến ở cuối năm 2019 trong giai đoạn 1.

Bí thư Tỉnh ủy gửi thư kêu gọi ủng hộ cuộc di dân lịch sử hơn 4.000 hộ - 7

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu viết thư kêu gọi ủng hộ vì người nghèo sống "treo" trên Kinh thành Huế

Đại Dương