1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Không vì lợi ích trước mắt mà giảm diện tích không gian xanh"

(Dân trí) - Đó là lời chia sẻ với PV Dân trí của nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội, Đào Ngọc Nghiêm, khi nói về dự án 6 bãi đỗ xe trong công viên Thống Nhất đang được trình UBND Hà Nội phê duyệt.

Theo ông Nghiêm, hiện tại Hà Nội đang rất thiếu các bãi đỗ xe. Công viên là nơi thuận tiện vì không phải giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, Công viên Thống Nhất là biểu tượng văn hóa của Hà Nội, hơn nữa tại nội đô vốn đã rất thiếu không gian xanh nên không thể vì điều kiện khó khăn trước mắt mà giảm đi chất lượng sống, diện tích xanh được.
 
Không vì lợi ích trước mắt mà giảm đi diện tích không gian xanh
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội thiếu cả diện tích đỗ xe, diện tích cây xanh và không gian công cộng. 
 
Từng là Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, hiện nay là công dân lâu năm của Thủ đô, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Công viên Thống Nhất với người dân Thủ đô?
 
Có thể nói trong lịch sử phát triển của Hà Nội, đặc biệt là từ năm 1954 tới nay, việc tổ chức không gian xanh công cộng rất được chú trọng. Trong đó có Công viên Thống Nhất. Đây có thể xem là biểu tượng của nhân dân Thủ đô mà Đảng và Nhà nước đã làm nên. Đây là sự đóng góp trí tuệ và công sức của nhân dân thông qua lao động XHCN.
 
Như vậy, đây không phải là không gian xanh đơn thuần nhằm bảo vệ môi trường, nhằm giải quyết chất lượng sống mà đây là biểu tượng văn hóa, là đặc thù thể hiện tính ưu việt của CNXH. Vậy nên nếu khai thác, quy hoạch, sử dụng phải hết sức trân trọng và đặt mục tiêu biểu tượng văn hóa lên hàng đầu, trên các mục tiêu khai thác khác.
 
Hiện nay một số doanh nghiệp đang trình lên UBND Hà Nội một số dự án xây bãi đỗ xe trong công viên. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
 
Tôi cho là vị trí khu vực Công viên Thống Nhất là vị thế đặc biệt, quan trọng, đây là 50ha đất vàng của TP Hà Nội. Đây là nơi tiếp cận thuận tiện cho nhân dân để nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra đây là khu vực có ý nghĩa cải thiện môi trường rất lớn trong nội đô lịch sử.
 
Có thể thấy nhiều doanh nghiệp muốn khai thác vị trí này. Thậm chí năm 2010 đã có doanh nghiệp xin hoàn toàn tài trợ việc xây dựng công viên với điều kiện họ được phục vụ bán trang thiết bị vui chơi giải trí, nhưng cũng không được thành phố chấp nhận.
 
Trở lại với việc mới đây, doanh nghiệp muốn xây dựng bãi đỗ xe trong công viên, theo tôi nghĩ cần phải thận trọng và cân nhắc. Trước hết chúng ta phải nhìn nhận, đối với một công viên, trong phân khu chức năng thuộc công viên thế nào cũng phải có bãi đỗ xe, nhưng đấy là diện tích đỗ xe dành cho người dân vào công viên chứ không phải là chỗ đỗ xe của nhân dân cả khu vực, không phải là chỗ đỗ xe để kinh doanh thông thường như các nơi khác.
 
Hiện nay, chỉ số không gian xanh công cộng trong 4 quận nội thành cũ đang rất thấp, chỉ có 1,09 m2 đất cây xanh/ người. Trong khi đó chúng ta đang muốn phấn đấu nâng lên 4 - 4,5m2 cây xanh/người.
 
Đây là yêu cầu cấp bách. Kể cả khi Hà Nội đã mở rộng thì trong quyết định phê duyệt quy hoạch chung của Thủ đô - thể hiện ở Quyết định 1259 ngày 26/7/2011 Thủ tướng đã ký, được rất nhiều tổ chức tư vấn, tổ chức xã hội nghề nghiệp đóng góp ý kiến - vẫn có định hướng rất quan trọng là hoàn thiện và phát huy các khu vực không gian xanh, trong đó có nói đến Công viên Thống Nhất.
 
Tôi cho rằng phải quán triệt định hướng này để đặt vấn đề khai thác mục tiêu nào đấy phục vụ cho mục tiêu công cộng chung.
 
Diện tích xanh trong công viên Thống Nhất đang có nguy cơ bị 6 bãi đỗ xe xẻ thịt
Diện tích xanh trong công viên Thống Nhất đang có nguy cơ bị 6 bãi đỗ xe "xẻ thịt"
 
Tuy nhiên, dự án bãi đỗ xe trong Công viên Thống Nhất lại nằm trong quy hoạch mạng lưới các điểm và các bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP đến năm 2020 và đã được Hà Nội phê duyệt quyết định 165 năm 2003. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
 
Về quy hoạch các điểm, bãi đỗ xe thì tôi xin nói là năm 1994 đã có quy hoạch các điểm đỗ xe. Trong quy hoạch đấy chúng ta đã chấp nhận bố trí đỗ xe tạm thời trên các tuyến phố ít có giao thông và chính định hướng như vậy nên vừa qua chúng ta phải thu hồi lại không cho đỗ xe trên 262 tuyến phố nữa. Và sau quy hoạch năm 2004, chúng ta lại có quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, đã có quy hoạch giao thông mới, trong đó cũng có quy hoạch về điểm, bãi đỗ xe.
 
Vậy theo tôi nghĩ chúng ta phải đối chiếu xem xét sau quy hoạch giao thông của Hà Nội được mở rộng thì phải xem xét quy hoạch từng chuyên ngành. Vậy nên không thể căn cứ vào quy hoạch năm 2003, vì đấy là trước quy hoạch chung Hà Nội mở rộng. Vậy nên không thể xem đó là căn cứ để triển khai được.
 
Thời gian qua Hà Nội có quy hoạch một số điểm đỗ xe nhưng biến những điểm này thành Trung tâm thương mại cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng?
 
Trở lại quy hoạch các điểm đỗ xe, chúng ta thấy có rất nhiều các điểm đỗ xe đặt trong quy hoạch nhưng chúng ta thiếu các cơ chế nên không thể thực hiện được. VD điểm đỗ xe ở khu vực Tràng Thi, điểm đỗ xe ở khu vực Nguyễn Công Trứ, một số điểm đỗ xe nữa ở khu vực bờ sông Hồng như phố Trần Quang Khải, chúng ta thiếu cơ chế quản lý.
 
Muốn thực hiện được thì Hà Nội phải có cơ chế đặc thù, Hà Nội phải chủ động làm việc này. Tuy nhiên, các quy hoạch này lại liên quan tới rất nhiều các bộ, ngành. Có lẽ phải chăng vì thế nên Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về Thủ đô Hà Nội có đặt ra một vấn đề là Hà Nội phải có vai trò trách nhiệm với các bộ ngành. Đặc biệt, trong Luật Thủ đô sắp trình Quốc hội sẽ có những cơ chế để Hà Nội thực hiện được những quy hoạch này.
 
Chúng ta thấy hiện nay, ách tắc rất nhiều khu vực dưới công trình cao tầng như 93 Lò Đúc, khu vực Hà Nội Plaza… Tất cả những công trình này, khi cấp phép xây dựng công trình cao tầng đều tính đến diện tích dành cho người tham gia vào các công trình đó có đủ chỗ đỗ xe.
 
Lúc đó tính toán 200 m2 văn phòng thì phải có chỗ đỗ xe 25 m2 và phải có diện tích dành cho xe máy, xe đạp. Nhưng tầng hầm của các công trình này lại khai thác kinh doanh hoặc không dành cho khách tới giao dịch đỗ xe mà chỉ dành cho nhân viên.
 
Có một số ý kiến cho rằng, công viên là không gian của người dân, không ai có quyền lấy đi không gian đó. Nếu Hà Nội cho phép xây dựng bãi đậu xe trong công viên là thể hiện sự bất lực của chính quyền đô thị. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
 
Chúng ta phải khẳng định định rằng vai trò của cộng đồng trong công tác quy hoạch và đã thể chế hóa trong các luật. Ví dụ trong Quy hoạch đô thị có hai điều nói về vai trò của cộng đồng là làm những việc gì liên quan tới người dân thì phải lấy ý kiến người dân. Nhưng vấn đề tổ chức thực hiện, chúng ta đã thực hiện những quy định của luật đấy chưa?
 
Trong xu thế hiện nay, vai trò của cộng đồng ngày càng được nâng cao và đã được thể chế hóa rất nhiều trong những dự án luật gần đây. Ở đây, chúng ta nên học tập kinh nghiệm một số nước phát triển. Ở các nước này không gian xanh công cộng không giao cho chính quyền hay công ty nào đó quản lý mà giao cho đại diện nhân dân quản lý, chỉ có nhân dân mới quyết định được việc khai thác sử dụng thế nào.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
 
Thông Chí