Không thể tùy tiện thay đổi quy hoạch khu vực Hồ Gươm
Thay đổi quy hoạch khu vực Hồ Gươm là vấn đề mang tính quốc gia, muốn sửa đổi quy hoạch khu vực này phải được phép của Thủ tướng Chính phủ.
Trong những ngày qua, báo chí lên tiếng về dự án cải tạo khu vực số nhà 69 Đinh Tiên Hoàng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trả lời báo chí, ông Trần Ngọc Chính, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Cần phải điều chỉnh lại do thiết kế quy hoạch Hồ Gươm vì bản quy hoạch cũ có hạn chế về tầm nhìn.
Theo tôi, đây là vấn đề mang tính quốc gia, muốn sửa đổi quy hoạch khu vực Hồ Gươm phải được phép của Thủ tướng Chính phủ.
Khi đã được phép chắc chắn còn phải tập trung nhiều chuyên gia kiến trúc, quy hoạch có tâm huyết và hiểu biết về văn hóa Hồ Gươm, dành nhiều tâm sức và thời gian lao động chuyên môn, rồi trải qua các cuộc hội thảo khoa học và tiếp nhận sự đóng góp của các nhà khoa học về văn hóa, lịch sử, môi trường. Sau đó, mới trình Thủ tướng phê duyệt, chứ không thể tùy tiện được.
Có thể tầm nhìn quy hoạch Hồ Gươm và vùng phụ cận năm 1996 khác hiện nay. Nhưng trong lúc chờ điều chỉnh quy hoạch cũ thì ai buộc Bộ Xây dựng phải tiến hành các điều chỉnh quy hoạch cục bộ?
Thủ tướng đã ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt, quản lý quy hoạch Hồ Gươm và phải chịu trách nhiệm là đúng, nhưng hoàn toàn không có nghĩa là Bộ Xây dựng tùy tiện muốn làm gì ở khu vực Hồ Gươm cũng được!
Việc điều chỉnh quy hoạch Khu vực Hồ Gươm là công việc hệ trọng đối với vùng địa linh này được cả nước quan tâm, không hề đơn giản như suy nghĩ của một số người. “Quy hoạch chi tiết tôn tạo Khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận” trong Điều 7: Những quy định về kiến trúc và cảnh quan đô thị. Mục 3 - Chiều cao công trình ghi rõ:
3.1 - Đối với các công trình xây dựng tại các lô đất tiếp giáp bên bờ hồ Hoàn Kiếm, thì chiều cao tối đa của công trình đó không vượt quá 16 m, nhưng khối tích công trình phải đảm bảo thông thoáng, không tạo thành bức tường thành ngăn cách không gian hồ và các khu lân cận.
3.2 - Đối với các khu vực còn lại, chiều cao tối đa các công trình được khống chế không quá 4 tầng (16 m). Không quá 6 tầng (24 m) đối với phần xây dựng lớp trong các ô phố.
Vậy mà Bộ Xây dựng đưa ra chỉ tiêu 54 m (quá với quy định chiều cao tối đa là 30 m trong “Quy hoạch chi tiết tôn tạo Khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận” đã ban hành) là ngưỡng có thể nghiên cứu!
Và, chỉ tiêu này lại còn là cơ sở để Hà Nội xem xét làm ngưỡng cho việc nghiên cứu dự án thì quả là quyền của Bộ Xây dựng quá to để định hướng điều chỉnh quy hoạch khu vực địa linh này!
“Quy hoạch chi tiết tôn tạo khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận” năm 1996 đã được phê duyệt vẫn là văn bản còn nguyên giá trị cho đến khi ban hành văn bản mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Không ai được phép tuỳ tiện điều chỉnh hay thay đổi!
Hà Đình Đức
(Hội Di sản văn hóa Việt Nam)
Báo Tiền phong