Không thể dùng trực thăng dập lửa rừng Sa Pa
(Dân trí) - Nguyên chính không thể dùng máy bay trực thăng để phun nước xuống các vị trí cháy rừng là vì địa hình núi cao, gió to, ngọn lửa rừng đang cháy lớn, nếu phun nước xuống sẽ tạo thêm ô xy càng làm cho lửa cháy mạnh hơn.
Thượng tá Nguyễn Đình Tuyến, trưởng phòng cứu hộ cứu nạn (Quân chủng phòng không - không quân)
Thượng tá Nguyễn Đình Tuyến, trưởng phòng cứu hộ cứu nạn (Bộ tham mưu Quân chủng phòng không - không quân) cho chúng tôi biết như vậy, tại “tổng hành dinh” chỉ huy chống cháy rừng Hoàng Liên - Sa Pa (tỉnh Lào Cai) chiều ngày 12/2/2010.
Theo thượng tá Tuyến, qua bay thám sát trên độ cao 3.400 - 3.600 mét ở khu vực rừng quốc gia Hoàng Liên đang bị cháy, các phi công cứu hộ, cứu nạn nhiều kinh nghiệm cho rằng thời tiết và địa hình vùng núi này hiện nay rất nguy hiểm.
3 chiếc máy bay của đoàn C16 (Quân chủng phòng không - không quân) được giao nhiệm vụ phòng chống cháy rừng Sa Pa chỉ làm được công việc vận chuyển đoàn cán bộ của Trung ương lên hiện trường khảo sát, chỉ đạo công tác chống cháy rừng và bay trinh sát hiện trường vụ cháy trên núi Hoàng Liên - Sa Pa hàng ngày theo yêu cầu của Bộ tư lệnh quân khu II và lãnh đạo tỉnh Lào Cai.
Trong hai ngày 11 và 12/2/2010, đã có 6 chuyến bay chở Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn cán bộ thị sát, chỉ đạo chữa cháy.
Một máy bay của đoàn C16 vừa bay trinh sát các đám cháy trở về sân vận động thị trấn Sa Pa lúc 15 giờ 30 ngày 12/2/2010.
Được biết, đây cũng chính là đơn vị trực tiếp cứu hộ, cứu nạn trong cơn bão lũ lịch sử tháng 8/2008 ở khu vực Ý Tý, Trịnh Tường (Bát Xát).
Theo thông báo chính thức của Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai công bố ngày 12/2/2010, vụ cháy rừng khu vực vườn quốc gia Hoàng Liên (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) xảy ra vào hồi 13 giờ ngày 8/2 tại khu vực giáp gianh thôn Séo Mý Tỷ (xã Tả Van) và thôn Ma Quái Hồ (xã Bản Hồ), diện tích đã bị cháy là 965 héc ta, trong đó hầu hết là rừng tái sinh, chứ không phải như một số thông tin đã đưa tin trước đó là cháy 2.500 - 3.000 héc ta...
Hiện vụ cháy đã được khống chế ở một số điểm quan trọng nhưng do trời gió lớn, địa hình khó khăn, hiểm trở nên việc dập tắt lửa rừng rất khó khăn. Tỉnh Lào Cai đã lập tổng hành dinh phòng chống cháy rừng tại huyện Sa Pa do lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ huy, đồng thời lập 3 nhóm chỉ đạo trực tiếp chống cháy rừng tại khu vực Dền Thàng - Séo Mý Tỷ, Tả Chung Hồ - Bản Hồ và Nậm Sài - Nậm Cang. Bộ tư lệnh Quân khu II và UBND tỉnh Lào Cai cũng đã tăng thêm lực lượng bộ đội và dân quân tự vệ chi viện cho Sa Pa cứu rừng với khẩu hiệu "Chưa dập tắt cháy rừng chưa nghỉ ăn tết".
Tin, ảnh: Phạm Ngọc Triển