“Không thể chấp nhận việc BOT không đạt chuẩn vẫn thu phí như đạt chuẩn”
(Dân trí) - Thông xe trong tình trạng thiếu đường gom và phương án phân luồng cho xe máy đi vào đường nhánh không thành, phương tiện đi lại hỗn độn là nguyên nhân làm tai nạn trên tuyến BOT Hà Nội - Bắc Giang tăng cao trong thời gian qua. "Đường không đủ tiêu chuẩn mà vẫn thu tiền như cao tốc thì không thể chấp nhận được. Đó có thể coi là hành động bòn rút tiền của dân", TS. Nguyễn Xuân Thuỷ thẳng thắn nhận xét.
Vấn đề cao tốc không đạt chuẩn nhưng vẫn thu phí như đạt chuẩn như tuyến BOT Hà Nội - Bắc Giang một lần nữa khiến dư luận không khỏi thắc mắc. Thực trạng người đi xe máy đi vào làn đường dành cho ô tô, người dân vẫn vô tư chăn thả trâu bò ngay trên cao tốc khiến không ít người rùng mình khi lưu thông qua tuyến đường này.
Với hơn 40 năm nghiên cứu về vấn đề giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, đã gọi là cao tốc thì phải đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng tại Việt Nam, TS. Thuỷ nhận định chuyện này không đơn giản vì ngay từ khâu thi công đã “mắc”. "Mắc ở đây đầu tiên là từ chủ đầu tư của công trình. Các đơn vị này có lẽ vì nhiều lý do, muốn hồi vốn nhanh và thu lãi nên không tuân theo đúng thiết kế. Bên cạnh đó, công tác nghiệm thu công trình trước khi thông xe cũng là vấn đề đáng nói. Chính những vấn đề này đã phần nào dẫn đến thực trạng hiện tại như cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, cũng như ở một số tuyến BOT khác ở Việt Nam", TS. Thuỷ nhận xét.
"Làm đường cao tốc phải đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng công nghệ, đảm bảo tuổi thọ... Đường không đủ tiêu chuẩn mà vẫn thu tiền như cao tốc thì khó có thể chấp nhận được. Đó có thể coi là hành động bòn rút tiền của dân", TS. Nguyễn Xuân Thuỷ thẳng thắn nhận xét.
Tuyến đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang có tổng chiều dài 45 km, được khởi công xây dựng năm 1998 và hoàn thành sau đó 4 năm. Ngày 5/1/2015, tuyến cao tốc này được mở rộng lên thành 4 làn xe, thông xe ngày 3/1/2016.
Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là dự án BOT nâng cấp, cải tạo QL1, đoạn Hà Nội - Bắc Giang được coi là cao tốc “châm trước” bởi không đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn an toàn tối thiểu để vận hành như một tuyến cao tốc thực sự.
Thực tế, ngay khi tuyến BOT này được đưa vào sử dụng, nhiều chuyên gia trong ngành giao thông tại thời điểm đó cũng đã lên tiếng cảnh báo tình trạng giao thông hỗn hợp như vậy rất không an toàn, nguy cơ tai nạn giao thông là rất lớn.
Thực trạng này đến nay vẫn tiếp diễn. Bằng chứng là từ 10/6/2016 - 10/6/2017, trên tuyến QL1 thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh đã xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9 người, bị thương 5 người.
Vấn đề thu phí tại cao tốc này cũng gây nhiều bức xúc khi vị trí đặt trạm thu phí (TTP) tại Km152+080 Quốc lộ 1 (xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) chỉ cách TTP Phù Đổng cũ (thuộc địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội) vài km, đồng nghĩa với việc, muốn vào Hà Nội hoặc đi Hà Nam, các phương tiện đi từ Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh (theo đường 1A) đều phải qua trạm thu phí này.
Theo quy định, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng đều áp dụng mức phí 35.000 đồng/lượt. Tức là sau khi đã đi qua trạm thu phí, phương tiện đi ra ở bất kỳ chỗ nào trên đường cũng phải chịu một mức phí như nhau. Nhiều lái xe cho rằng áp dụng như vậy là không hợp lý và quá cao. Có người hàng ngày chỉ đi một đoạn ngắn quãng 12km từ Khu công nghiệp Ninh Hiệp (Gia Lâm) sang Từ Sơn (Bắc Ninh) cũng phải trả phí như người đi suốt tuyến đường dài 45km.
Nhận định về thực trạng này, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, rõ ràng có vấn đề bất hợp lý tại cao tốc Hà Nội – Bắc Giang. Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan chức năng liên quan cần phải có sự giám sát chặt chẽ, kiểm tra, thanh tra chủ đầu tư BOT để đơn vị liên quan sớm có phương án khắc phục, đảm bảo đúng tiêu chuẩn của cao tốc và quyền lợi cho người dân.
“Đường cao tốc muốn thu hút người dân tham gia thì phải đảm bảo cả chất lượng và giá phí tương xứng. Đó là quyền lợi đương nhiên của người dân. Khi phát hiện sai phạm hoặc bất hợp lý thì phải xử lý ngay. Kể cả Bộ GTVT cũng phải nghiêm túc kiểm tra và giải quyết dứt điểm”, ông Thuỷ nhấn mạnh.
Trên thực tế, dự án chỉ nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT, nhưng hiện tại đã được nâng cấp thành cao tốc và vẫn cho ô tô đi chung với xe máy. Cụ thể, QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang đã chính thức thu phí hoàn vốn từ 25/5/2016, mức phí từ 35.000 - 200.000 đồng/lượt, nhưng vẫn thiếu đường gom dành cho xe máy, buộc loại phương tiện này phải lưu thông chung với ô tô, tiềm ẩn nguy cơ tại nạn giao thông nghiêm trọng.
Trước thực trạng như hiện tại tại tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang và tình trạng chất lượng các tuyến cao tốc nói chung trên cả nước, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ nhận định, ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng có tình trạng như ở Việt Nam nhưng không nhiều bởi các nước khi làm đường cao tốc theo tiêu chuẩn AASHTO. Họ thanh tra, kiểm tra rất chặt chẽ, nếu phát hiện ra sai phạm sẽ bị xử lý rất nặng nên chủ đầu tư không dám làm ẩu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề “rút ruột” công trình từ lâu vẫn bị dư luận nghi ngờ. Trong kh đó, vấn đề xử lý vi phạm vẫn còn một số bất cập nên mới dẫn đến tình trạng chất lượng một đằng thu phí một nẻo.
Để xử lý vấn đề này, ông Thuỷ nhấn mạnh, việc giảm phí thực tế không phải là giải pháp triệt để. Theo chuyên gia này, các cơ quan chức năng của nhà nước phải xử lý nghiêm các sai phạm và điều chỉnh lại đúng tiêu chuẩn của đường cao tốc theo thiết kế. Như vậy mới đảm bảo an toàn giao thông, quyền lợi chính đáng của người dân và không gây bức xúc trong dư luận.
Xuân Ngọc