1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không “phình” thêm bộ máy, tăng chi nuôi cán bộ

(Dân trí) - “Dù không phải 500 thì số lượng cán bộ cấp xã như ở Thanh Hóa cũng là rất nhiều. Nếu tiếp tục “phình” bộ máy ra, không còn cách nào khác làm phải giảm đầu tư để chi trả, “nuôi” cán bộ” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng CP Vũ Đức Đam phân tích.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Tại buổi họp báo sau phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhận câu hỏi về vụ việc xã có 500 cán bộ tại Thanh Hóa. Bộ trưởng Đam khẳng định, sau khi có thông tin phản ánh về việc này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ đạo yêu cầu thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa báo cáo sự việc, nếu đúng thế thì phải xử lý.

“Số liệu phản ánh sau đó rất khác nhau, không phải là 500 cán bộ như thông tin đưa ra. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế, dù con số không phải là 500 thì số cán bộ không phải công chức nhà nước, được hưởng lương, chế độ ở cấp xã như vậy là rất nhiều” - Bộ trưởng Đam xác nhận.

Về số lượng công chức tại chính quyền cấp xã, các văn bản quy định hiện đã rất rõ ràng, không thể “cơi nới”. Định suất hưởng lương cũng tuân theo các tiêu chuẩn chặt chẽ, dù một suất, nửa suất cũng phải thực hiện đúng.

Về số lượng cán bộ hưởng chế độ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, có thể điều chỉnh linh hoạt tùy quy mô diện tích, dân số tại mỗi xã nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc tổ chức bộ máy gọn nhẹ.

Thực tế, cả số lượng cộng chức và người hưởng lương ở chính quyền cấp cơ sở tăng khá nhanh thời gian gần đây. Dù vậy, điều đáng nói, theo Bộ trưởng Đam, hiện nhiều cơ quan, tổ chức, diễn đàn vẫn nêu yêu cầu tăng thêm biên chế, định suất lương cho cán bộ xã, phường.

Bộ trưởng Đam khẳng định: “Chúng ta vẫn giữ quan điểm bộ máy phải tinh gọn. Nếu có trường hợp đặc biệt cần tăng thêm cán bộ cũng phải tiến hành rất chặt chẽ, theo quy định. Nền kinh tế đất nước hiện còn nghèo, ngân sách hạn hẹp, nếu tiếp tục “phình” thêm bộ máy, không còn cách nào khác là phải giảm đầu tư để chi trả, nuôi cán bộ”.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phân tích thêm bối cảnh khó khăn, mức tổng chi ngân sách đầu tư cho xây cơ bản thời gian qua đã giảm liên tục từ trên 30% xuống chỉ còn xấp xỉ 20%. Trong khi, mỗi năm nguồn vốn cho mục tiêu này chỉ có khoảng 180.000 tỷ từ trái phiếu Chính phủ, các công trình lại đều thuộc hàng cấp bách. Số vốn đáng ra cần có phải lớn hơn nhiều lần.

P.Thảo