1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không phát hiện tham nhũng là không thể tin được

“Chống tham nhũng tức là ta tự chống ta và việc này bao giờ cũng khó nếu tinh thần tự giác không cao, không muốn nhìn thẳng vào sự thật”. Ông Nguyễn Đình Lộc - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Tư pháp đã nói như vậy về công tác phòng chống tham nhũng hiện nay.

Ông Lộc cho biết: Để làm tốt điều này, tôi cho rằng phải có kỷ luật báo cáo, có thể báo cáo về mặt chất lượng chưa đạt, nhưng báo cáo đó phải đến đúng thời gian. Điều đó nói lên sự nghiêm túc, vượt lên sự đắn đo suy nghĩ của từng người.

Theo ông, dạng tham nhũng nào đang phổ biến nhiều ở các địa phương?

Có thể nhận thấy dạng tham nhũng liên quan đất đai là khá phổ biến ở các địa phương và đó cũng là những vấn đề bức xúc nhất đối với dân. Ngoài ra, còn những dạng tham nhũng khác như thanh tra, thi hành án đòi hối lộ, đút lót để có những quyền lợi nhất định.

Tham nhũng bây giờ không chừa lĩnh vực nào cả, có những lúc chúng ta tưởng “nó” chừa chỗ này, chỗ nọ, nhưng bây giờ có hết. Đơn cử hai lĩnh vực trước đây ít khi nói đến trong các vụ việc tham nhũng là y tế, giáo dục thì bây giờ đều đã xảy ra và rất phổ biến.

Theo công bố việc thực hiện Luật phòng chống tham nhũng năm 2006 của Thanh tra Nhà nước, có đến 22 bộ, ngành và 40 tỉnh không phát hiện vụ việc tham nhũng nào ở đơn vị mình. Ông nghĩ sao về con số này?

Liên quan tới báo cáo về phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ vừa phê bình 20 bộ, ngành và 35 địa phương chậm ban hành hoặc chưa có báo cáo kết quả việc xây dựng kế hoạch phòng chống tham nhũng.

Tôi nghĩ các bộ, ngành địa phương chưa tính hết được các đặc thù của tham nhũng, bởi tham nhũng có rất nhiều hình thức. Con số trên cho thấy chúng ta cần phải thực hiện nghiêm túc hơn nữa việc này.

Chính vì vậy, mới “đẻ” ra các cơ quan thanh tra, kiểm tra... chứ không thể tin tưởng vào sự tự giác của con người. Và sự tự giác của một số người cần phải có sự tác động từ bên ngoài, tôi cho rằng đó là điều bình thường chứ không xem là điều khó chịu.

Ở đây vai trò người đứng đầu rất quan trọng, anh có phát động được anh em trong cơ quan, đơn vị mình nói ra các vấn đề tiêu cực hay không, vì tiêu cực thể hiện dưới nhiều hình thức từ lớn đến nhỏ, kể cả việc bớt xén giờ giấc cũng là một hình thức của tham nhũng.

Do đó, theo tôi, một trong những lý do khiến con số đơn vị báo cáo phát hiện chống tham nhũng còn quá ít là do lãnh đạo tránh né.

Điều đó có nghĩa vẫn còn nhiều lãnh đạo các cơ quan đơn vị không dám nhìn thẳng vào sự thật, tránh né tiêu cực?

Tôi không dám khẳng định tất cả, nhưng có một số là như vậy. Vì trước đây tôi từng lãnh đạo một cơ quan nên cũng biết là không ít thì nhiều trong một cơ quan phải có vấn đề, chứ nói không có thì nghe buồn cười quá.

Khi còn làm Bộ trưởng Tư pháp, ông có phát hiện tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan mình?

Có chứ, anh em đấu tranh phát hiện nhiều trường hợp vì chúng tôi cũng là cơ quan có liên quan đến tiền bạc. Tôi xin khẳng định lại một lần nữa là thái độ của chúng ta đối với vấn đề đó như thế nào, chứ còn nói theo kiểu “cơ quan tôi không có tham nhũng” là không thể tin được.

Thưa ông, Luật phòng chống tham nhũng cho đến nay đã có hiệu lực gần 5 tháng (từ 1/6/2006), ở góc độ cá nhân ông đánh giá như thế nào về việc triển khai luật này vào đời sống trong thời gian qua?

Tôi cho rằng Luật phòng chống tham nhũng có thật sự đi vào cuộc sống hay không còn phụ thuộc thái độ của chúng ta đối với luật đó như thế nào. Tôi nhận thấy những tín hiệu đầu tiên rất đáng mừng, đặc biệt là sau Đại hội X, thái độ của Chính phủ mới, từ Thủ tướng đến các bộ trưởng đối với hiện tượng này đã có những bước chuyển động đáng kể.

Có thể nói đây chính là “cú hích” rất quan trọng mang lại lòng tin cho nhân dân, không chỉ trong nước mà dư luận quốc tế cũng nhìn nhận điều này.

Tuy nhiên, chúng ta chờ đợi những bước đi tiếp theo phải làm đến nơi đến chốn, bởi vì hiện mới chỉ là những tín hiệu. Tôi tin rằng trên cơ sở nghị quyết của đại hội, của luật, nghị quyết trung ương 3 sẽ tạo động lực, sức ép trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Theo Xuân Toàn
Báo Tuổi trẻ