1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Không nhất thiết phải làm biểu tượng rùa Hồ Gươm hoành tráng”

(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhiều nhà khoa học đồng tình với ý tưởng đúc biểu tượng rùa Hồ Gươm. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lưu ý, Hồ Gươm là khu vực nhạy cảm nên biểu tượng rùa cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi xây dựng.

Chiều ngày 29/3, trao đổi với phóng viên Dân trí, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động và Phó Giám đốc Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến đều cho biết, chưa nhận được đề án đúc “Biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm” của công dân Tạ Hồng Quân.

“Đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được đề án của tác giả và cũng chưa nhận được chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về đề án này”, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội nói.

Theo ông Trương Minh Tiến, Hồ Gươm là di tích quốc gia đặc biệt, nên mọi công trình đưa vào đây đều phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Do vậy, nếu nhận được đề án xây dựng rùa vàng bên hồ Gươm hoặc nhận được chỉ đạo của thành phố, Sở này cũng phải xin ý kiến của các nhà khoa học, xin kiến nhân dân và báo cáo lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Mẫu phác thảo biểu tượng rùa vàng hồ Gươm
Mẫu phác thảo biểu tượng rùa vàng hồ Gươm

Dưới góc độ nhà nghiên cứu, PGS Hà Đình Đức (người có nhiều năm nghiên cứu rùa Hồ Gươm) cho biết, cá nhân ông ủng hộ ý tưởng làm biểu tượng rùa Hồ Gươm. Tuy nhiên, biểu tượng như thế nào thì người đề xuất ý tưởng cùng các nhà khoa học phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi xây dựng.

“Theo tôi không nhất thiết phải xây dựng biểu tượng rùa Hồ Gươm thật hoành tráng. Biểu tượng rùa Hồ Gươm có thể làm bằng đá hoặc bằng đồng với kích thước vừa phải, đặt ở khu vực đường Lê Thái Tổ giao cắt với Hàng Trống”, PGS Hà Đình Đức nói.

Ngay từ thời điểm công dân Tạ Hồng Quân đưa ra ý tưởng đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm (năm 2011), PGS Hà Đình Đức cũng đã đưa ra đánh giá đây là ý tưởng đáng trân trọng. Bởi theo PGS Hà Đình Đức, việc xây dựng biểu tượng rùa Hồ Gươm cũng có ý nghĩa hướng về cội nguồn, nhắc nhở con cháu về công lao của tổ tiên, trong đó có việc thần Kim Quy đã hai lần xuất hiện liên quan đến linh khí là thanh Bảo Kiếm giúp vua Âu Lạc và vua Đại Việt diệt kẻ ác và giặc ngoại xâm để giữ yên bờ cõi.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng ủng hộ việc đúc tượng rùa vàng Hồ Gươm ngay từ khi công dân Tạ Hồng Quân đưa ra ý tưởng. “Đến thời điểm này (khi cụ Rùa không còn – PV), việc làm biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm là phù hợp. Tuy nhiên, việc đúc rùa vàng thế nào cần phải lấy ý kiến cụ thể của các nhà khoa học”, ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm.

Theo ông Dương Trung Quốc, nếu thành phố thông qua ý tưởng trên thì nên đặt biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm ở khu vực quanh đền Ngọc Sơn là phù hợp.

Công dân Tạ Hồng Quân là người đưa ý tưởng đúc rùa vàng hồ Gươm từ trước dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đến năm 2011, ông Quân hoàn thiện dự án trình UBND TP Hà Nội.

Đề án nêu rõ kế hoạch đúc tượng rùa vàng Hồ Gươm chất liệu bằng đồng nguyên chất được mạ vàng tại bờ hồ Hoàn Kiếm. Đến thời điểm này, ông Tạ Hồng Quân tiếp tục đề xuất ý tưởng này. Theo ông Quân, nếu đề án được thành phố chấp thuận, cá nhân ông sẽ cùng các nhà khoa học nghiên cứu xây dựng biểu tượng rùa Hồ Gươm một cách cẩn trọng từ hình dáng, kích thước đến chất liệu để phù hợp với cảnh quan khu vực…

Quang Phong