1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Không nên xử lý nữ sinh bạo hành bằng biện pháp cao nhất”

(Dân trí) - “Tất cả những vấn đề chúng ta đang giải quyết mới chỉ là phần ngọn, tức là vụ việc xảy ra, rơi vào em nào ta xử lý em đó, thậm chí xử lý rất nặng để răn đe”, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trương Thị Mai bày tỏ.

Bà có ý kiến gì về những hình ảnh trong các clip nữ sinh bạo hành tập thể?

Thực ra khi làm Luật Trẻ em, đề cập những điều cấm trẻ em chúng tôi cũng đã thảo luận cấm trẻ em đánh nhau. Nhưng lúc đó rất nhiều đại biểu Quốc hội trao đổi và cho rằng, đối với Việt Nam trẻ em có xích mích, va chạm cũng là bình thường, mình có đưa ra cũng chẳng có chế tài xử lý.

Tuy nhiên, với những hành vi như vừa rồi thì tôi lại thấy nghiêm trọng, không thể suy nghĩ như khi chúng tôi làm Luật Trẻ em, bởi nó trở thành vấn đề thuộc về ý thức, hành vi, rất cần phải suy nghĩ.

Sau mỗi vụ việc nữ sinh bạo hành tập thể, các cơ quan chức năng cùng nhà trường đều vào cuộc xử lý. Thế nhưng, những gì đã làm lại không đủ sức ngăn các vụ việc tương tự tái diễn và xem ra càng về sau các vụ việc càng nghiêm trọng hơn?

Tất cả những vấn đề chúng ta đang giải quyết hiện nay mới chỉ là phần ngọn, tức là vụ việc xảy ra, rơi vào em nào thì ta xử lý đối với em đó, thậm chí chúng ta xử lý rất nặng để răn đe. Nhưng chúng ta lại quên mất một điều rằng, các em vẫn còn ở tuổi học sinh, tuổi vị thành niên, nếu chỉ giải quyết với các vấn đề đang xảy ra sẽ không thể ngăn chặn hay hạn chế được.

Chúng ta phải quay lại giải quyết vấn đề từ gia đình, học đường. Tôi nghĩ không phải tất cả các vụ việc đều xuất phát từ nguyên nhân giống nhau, có những cháu do bị ảnh hưởng từ áp lực gia đình, có những cháu bị áp lực từ quan hệ trong học đường, có những cháu bị ảnh hưởng từ phim ảnh, internet… và các bậc phụ huynh cùng giáo viên phải tìm ra nguyên nhân để cùng các cháu giải quyết.
 
“Không nên xử lý nữ sinh bạo hành bằng biện pháp cao nhất” - 1
Những hình ảnh như thế này ngày càng nhiều

Tại gia đình, cha mẹ dù bận trăm công nghìn việc, dù cuộc sống bức bách đến đâu có lẽ cũng nên dành một phần thời gian cho con cái mình, cùng theo dõi, tâm sự, chia sẻ với các cháu để xem các cháu có những vấn đề gì và cha mẹ cùng góp phần giải tỏa.

Còn khi vấn đề xảy ra rồi ta chỉ giải quyết hậu quả thôi và sự răn đe đó chỉ góp một phần nào đó, không thể hoá giải tất cả vấn đề này. Vừa rồi một số trường hợp chúng ta xử lý rất mạnh, nhưng sự việc vẫn tái diễn, cho nên tôi cho rằng, cần một giải pháp căn cơ hơn.

Thế nhưng, một số ý kiến cho rằng, trong giải quyết các vụ việc ta có thể đưa vào trường giáo dưỡng một số trường hợp để có sức răn đe?

Đó là biện pháp cuối cùng. Nếu cứ mỗi trẻ em vi phạm đều tìm biện pháp cao nhất để xử, có khi ta làm cản trở luôn cuộc đời của các em. Thay vì như vậy ta nên giáo dục, chia sẻ, tìm hiểu nguyên nhân để có hướng giải quyết thích hợp... Dĩ nhiên, việc này khó khăn và đòi hỏi phải gia công lắm.

Nhưng chưa có biện pháp mạnh, các cháu vẫn nhờn thuốc và các trường tiếp tục bế tắc?
 
“Không nên xử lý nữ sinh bạo hành bằng biện pháp cao nhất” - 2
Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội

Xảy ra hậu quả vẫn phải xử lý những em tham gia trực tiếp, nhưng bên cạnh đó, vẫn là tăng cường giáo dục, thay đổi cách thức giáo dục. Tôi nói, từng gia đình không quan tâm con mình, nhà trường sao quan tâm nổi. Hàng ngàn cháu tới một ngôi trường như thế, trong khi từng giáo viên cũng có cuộc sống của họ, họ cũng có gia đình, cũng có con. Nếu gia đình không có sự quan tâm đồng bộ thì nhà trường cũng rất khó khăn.

Với các hành vi tung clip bạo hành lên mạng thì sao, thưa bà?

Tôi nghĩ các nhà trường phải đưa ra các quy định nghiêm cấm học sinh, sinh viên có hành vi này. Còn các cháu nào vi phạm phải có hình thức xử lý. Một mặt chúng ta phải xử lý bằng phương thức giáo dục, mặt khác cũng có những hình thức răn đe nhất định nào đó. Còn các em cứ đưa lên không ai ngăn cản, xử lý gì thì các em  vẫn tiếp tục vô tư đưa lên mà không ý thức được có khi việc đó làm hại cả đời bạn mình.

Thưa bà, còn một vấn đề khác khiến nhiều người bức xúc là trong các clip, các vụ hành hung đều có nhiều học sinh khác chứng kiến với thái độ hoặc nhản nhiên hoặc hò hét, cổ vũ, quay clip?

Tôi xin nói thái độ thờ ơ, vô tâm là một trong những  thái độ mà gần đây xã hội có phản ảnh là rất lo ngại. Thái độ thản nhiên nhìn hành vi bạo lực như trong các clip vừa rồi cũng tương tự như vậy. Thậm chí còn đáng ngại hơn khi các cháu quay phim các bạn hành hung, tung lên mạng và xem như một trò giải trí.

Từ thực tế trên, gia đình nhà trường cần phải tăng cường sự quan tâm với các cháu nhiều hơn… Tôi ví dụ, lúc tôi còn nhỏ, những bài học giáo dục công dân với tôi rất thấm thía. Tôi nhớ, ra đường nghe bài hát quốc ca liền đứng thật nghiêm để chào cờ, thấy đám tang liền ngả mũ.

Những việc đó ngày xưa tại sao ta có thể giáo dục được. Bây giờ cuộc sống có thể khác nhưng tôi nghĩ việc quan trọng là lựa chọn những vấn đề, cách thức giảng dạy như thế nào để có tác dụng quan trọng với các cháu. Một thầy giáo tại TP HCM vừa được đưa lên như một tấm gương về giảng dạy môn học này và tôi nghĩ rằng, chúng ta cũng có những người, có những giải pháp nhưng chúng ta không tập trung quyết liệt.

Xin cảm ơn bà!

Cấn Cường (thực hiện)