1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Không nên quay lưng với cà phê Việt sau vụ “cà phê nhuộm pin”

(Dân trí) - Ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, vụ việc “cà phê nhuộm pin” ở Đắk Nông chỉ là cá biệt, còn phần lớn nông sản đã được kiểm soát tốt về chất lượng, do đó, người dân không nên quay lưng lại với nông sản của Việt Nam.

Ông Vũ Văn Tám đánh giá, vụ việc “cà phê nhuộm pin” là sự việc rất đáng tiếc, cơ quan công an đang tích cực vào cuộc điều tra làm rõ, phía ngành nông nghiệp cũng đang chờ kết quả điều tra.

Cũng theo ông Tám, khi cơ quan công an chưa kết luận vụ việc, chưa xác định được cơ sở nói trên chế biến ra nguyên liệu “cà phê nhuộm pin” để làm gì thì người tiêu dùng không nên vì vài trường hợp cá biệt như này mà quay lưng lại với nông sản của Việt Nam.

Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện hàng chục tấn cà phê chuẩn bị xuất xưởng. (Ảnh: Dương Phong).
Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện hàng chục tấn cà phê chuẩn bị xuất xưởng. (Ảnh: Dương Phong).

Theo ông Tám, hiện nay ngành nông nghiệp đã quản lý tương đối tốt chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Do đó, người tiêu dùng hãy an tâm sử dụng các sản phẩm có rõ nguồn gốc, được quản lý theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc…

Còn theo ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hành động pha tạp chất vào cà phê không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính cũng như thương hiệu cà phê của Việt Nam mà còn làm mất lòng tin của người tiêu dùng.

Cũng theo Thứ trưởng Nam, để nâng cao vị thế cà phê của doanh nghiệp trên thị trường thế giới, các bộ, ngành và địa phương, nhất là các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất phải xác định rõ ngoài nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng là then chốt. Đồng thời vừa giảm giá thành vừa nâng cao giá trị và quảng bá hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ thêm, ngành nông nghiệp coi cà phê là cây trồng chủ lực, hướng đến xuất khẩu và có nhiều chính sách, cơ chế để phát triển vùng trồng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng. Trên thực tế, cà phê Việt Nam đã có vị thế và đang nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Cà phê là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 3,2 tỷ USD. Trong quý 1 năm nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng đạt gần 1 tỷ USD.

Pin con ó là một phần nguyên liệu tại cơ sở sản xuất cà phê bẩn. (Ảnh: Dương Phong).
Pin con ó là một phần nguyên liệu tại cơ sở sản xuất cà phê bẩn. (Ảnh: Dương Phong).

Trước đó, ngày 16/4, Cảnh sát môi trường phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) và phát hiện cơ sở này có hành vi pha trộn tạp chất vào cà phê, sau đó cung cấp ra thị trường.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có hàng chục tấn cà phê bẩn cùng đất, đá được tập kết ở trong kho, trong đó có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin, 2 chậu chứa 35 kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin... dùng để nhuộm đen cà phê.

Bước đầu, chủ cơ sở khai nhận hành vi đến các đại lý thu mua cà phê thải loại, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn... sau đó mua các cục pin về đập dẹp, dùng lõi pin hòa với nước rồi nhuộm vào cà phê, đóng gói bán ra thị trường.

Cơ sở chế biến này hoạt động từ nhiều năm nay, chỉ riêng từ đầu năm đến nay đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê bẩn.

Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm