Không nên “giữ rịt” con ở nhà sau vụ bảo mẫu bạo hành trẻ
(Dân trí) - Theo chuyên gia ngành Y Xã hội, sau khi vụ bảo mẫu bạo hành trẻ bị phát hiện, tâm lý dễ dẫn đến là phụ huynh bất mãn, thiếu niềm tin vào các cơ sở nuôi dạy trẻ, giữ rịt trẻ ở nhà. Điều này không tốt cho trẻ!
Khi vụ việc bảo mẫu bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non Phương Anh được đưa ra ánh sáng, dư luận bất bình và yêu cầu xử lý, trừng phạt những người gây ra tội ác, nhưng những đứa trẻ bị hại lại ít được để ý đến. PV Dân trí đã có buổi trao đổi với bà Lưu Thị Ánh Loan, thạc sĩ chuyên ngành Y Xã hội, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyết tật & phát triển về vấn đề này.
Thưa bà, với tư cách là 1 chuyên gia công tác xã hội học chuyên sâu về ngành Y Xã hội ở Mỹ, bà có thể cho biết khi xảy ra vụ việc như ở cơ sở Phương Anh thì chính quyền nên làm gì để giải quyết vấn đề?
Trong những vụ việc như thế này, ai vi phạm pháp luật đã có cơ quan công an điều tra và xử lý theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Còn để giải quyết vấn đề thì việc đầu tiên cần làm ngay là tiếp cận và bảo vệ những đối tượng thiệt thòi, bị hại; trong vụ việc này là các em học sinh mầm non và phụ huynh của các em.
Với những đứa trẻ thì chúng ta phải làm gì?
Với những đứa trẻ, phải cử ngay nhân viên xã hội tìm cách tiếp cận chúng bằng các phương pháp xã hội học để tạo niềm tin với trẻ, trò truyện thân mật với trẻ để xác định mức độ tác động của sự việc đối với từng trẻ như thế nào. Nếu trẻ có dấu hiệu tổn thương thân thể phải đưa đi khám nghiệm, cứu chữa kịp thời. Nếu xác định trẻ có vấn đề về tâm lý phải có đánh giá cụ thể về mức độ tổn thương và có giải pháp phù hợp như hỗ trợ tinh thần tại nhà hay đưa đến bác sĩ tâm lý để giám định chuyên sâu. Từ đó, chúng ta mới có biện pháp khắc phục tổn thương mà các bảo mẫu bạo hành đã gây ra cho trẻ.
Tại sao bà lại cho rằng cần bảo vệ phụ huynh? Trong vụ việc này họ chỉ là người có quyền lợi liên quan chứ đâu phải trực tiếp bị hại?
Bạn đọc có thông tin, hình ảnh, video về các vụ bạo hành trẻ em xin mời cộng tác với Dân trí theo địa chỉ dantri@dantri.com.vn, xahoi@dantri.com.vnhoặc gọi ngay về đường dây nóng 0973567567 |
Trong vụ việc này, tâm lý dễ dẫn đến là phụ huynh sẽ bất mãn, thiếu niềm tin vào các cơ sở nuôi dạy trẻ. Khi đó, họ có thể đưa ra quyết định tiêu cực là giữ rịt trẻ ở nhà, không đưa trẻ đến trường. Điều này không chỉ không tốt cho trẻ mà còn gây xáo trộn cuộc sống gia đình họ.
Vậy nên hỗ trợ phụ huynh các em như thế nào thưa bà?
Công việc của nhân viên xã hội là phải tìm cách tiếp cận để xác định vấn đề của từng phụ huynh lúc này là gì để có giải pháp hỗ trợ thích hợp. Nếu phụ huynh có suy nghĩ tiêu cực như trên cần có biện pháp đưa ra cho họ lời khuyên thích hợp và liên hệ các cơ quan liên quan để hỗ trợ họ tìm cơ sở giữ trẻ khác có thể giúp họ an tâm.
Ngoài ra, nhân viên xã hội cũng phải tìm hiểu từ phụ huynh vì sao để xảy ra vụ việc như thế này. Bởi nếu trẻ bị bảo mẫu bạo hành trong thời gian dài mà phụ huynh không phát hiện được thì có thể là do họ thiếu quan tâm con cái, hoặc thiếu kiến thức để nhận biết dấu hiệu trẻ bị bạo hành. Trong cả 2 trường hợp này, nhân viên xã hội đều phải can thiệp.
Nếu họ thiếu quan tâm con cái thì phải đưa ra lời khuyên để họ nhận thức lại vấn đề giáo dục con trẻ không phải là của riêng nhà trường. Nếu họ thiếu kiến thức để nhận biết dấu hiệu trẻ bị bạo hành thì nhân viên xã hội phải có trách nhiệm giúp họ trang bị kiến thức này để giúp phụ huynh an tâm hơn khi gửi con trẻ của mình đến cơ sở khác.
Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện!
Tùng Nguyên (ghi)