1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bảo mẫu bạo hành trẻ: Chưa sợ thì vẫn làm liều!

(Dân trí) - “Bảo mẫu có những hành động như vậy do nhiều nguyên nhân và cũng có một phần do xuất phát từ việc trước đây chúng ta không trừng trị nghiêm khắc để răn đe những trường hợp khác. Do vậy người ta chưa sợ, chưa ngại nên làm liều”.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vụ hai bảo mẫu tại điểm trông giữ trẻ Phương Anh bạo hành trẻ, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho biết, với tâm lý người mẹ và trực tiếp làm việc trong lĩnh vực này, khi xem những hình ảnh đó bà cảm thấy rất bức xúc và đề nghị xử lý nghiêm những người liên quan để làm gương.

 
Bà

Ngô Thị Minh lo ngại, nếu chỉ nhắc nhở cán bộ, sự việc khác lại tái diễn

Xem những hình ảnh bảo mẫu bạo hành tàn bạo trẻ em ở thành phố Hồ Chí Minh, bà cảm thấy điều gì?

Với tâm trạng người làm cha, làm mẹ và trực tiếp làm việc trong lĩnh vực này, khi xem những hình ảnh bảo mẫu bạo hành trẻ em, tôi cảm thấy rất bức xúc. Nhìn gương mặt hai bảo mẫu đó không ai nghĩ họ lại có những hành vi tàn nhẫn đối với trẻ em đến như vậy. Dù cùng là giới nữ nhưng tôi không thể nào chấp nhận được hành vi của 2 bảo mẫu này.

Qua hình ảnh tôi thấy rõ sự thiếu đạo đức, thiếu tình yêu thương trẻ nhỏ của hai bảo mẫu này. Đạo đức của họ không xứng với công việc chăm sóc trẻ nhỏ vì họ không xuất phát từ tình thương yêu trẻ để làm công việc cần sự kiên nhẫn này, đặc biệt là việc chăm sóc những đứa trẻ không phải do mình sinh ra. Do vậy, khi gặp phải những đứa trẻ khó tính, bảo mẫu đó đã làm liều, cứ nghĩ rằng khuất mắt trông coi, không ai biết hành vi của mình.

Việc hai bảo mẫu có những hành vi tàn ác như vậy, nhiều người cho rằng cũng có nguyên nhân trước đây chúng ta chưa trừng trị thích đáng những đối tượng bạo hành trẻ em. Vậy theo bà trường hợp này phải xử lý thế nào để đủ tính răn đe?

Bảo mẫu có những hành động như vậy do nhiều nguyên nhân và cũng có một phần do xuất phát từ việc trước đây chúng ta không trừng trị nghiêm khắc để răn đe những trường hợp khác. Do vậy người ta chưa sợ, chưa ngại nên làm liều. Đối với trường hợp này theo tôi phải xử lý nghiêm minh để làm răn đe các trường hợp khác...

Ngoài việc xử lý thật nghiêm hai bảo mẫu, vậy theo bà qua sự việc có phải quy trách nhiệm rõ cho từng lãnh đạo địa bàn không?

Chính quyền địa bàn không thể vô can trong trường hợp này được. Một điểm trông trẻ không có phép hoạt động từ năm 2012 đến giờ mà không bị xử lý nghiêm thì trách nhiệm thuộc về anh. Anh không thể thiếu trách nhiệm với nhân dân như thế được, anh phải phối hợp với ngành dọc để kiểm tra việc cấp phép các cơ sở này. Đơn cử trong đợt đi giám sát ở Đồng Nai, khi được phản ánh hàng trăm nhóm trẻ gia đình chưa được cấp phép, chúng tôi đã yêu cầu ngành giáo dục phải kiểm tra, xem xét lại các điều kiện, tiêu chuẩn và đề nghị ngành giáo dục phải phối hợp với chính quyền địa phương làm sớm việc này.

Cụ thể, theo bà để xảy ra sự việc này, trách nhiệm thuộc về ai trong hệ thống chính quyền?

Ông Bí thư, Chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm khi sự việc xảy ra trên địa bàn. Rõ ràng anh chưa làm tròn trách nhiệm vì cơ sở này hoạt động từ năm 2012 đến nay mà không bị xử lý. Với trách nhiệm của mình, anh phải biết, mà nếu biết thì tại sao lại không cấp phép? Còn nếu không đủ điều kiện để cấp phép thì anh phải có trách nhiệm phối hợp với ngành giáo dục, giúp dân tìm phương án hợp lý để tổ chức trông coi trẻ cho phù hợp...

Nếu những người có liên quan đến vụ việc chỉ bị nhắc nhở, kiểm điểm, khiển trách đơn thuần, bà có lo ngại những sự việc tương tự vẫn tiếp tục tái diễn?

Bài toán quy trách nhiệm, đại biểu Quốc hội cũng đã nói nhiều. Khi phát biểu trước Quốc hội về luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tôi đã nêu về vấn đề này. Trường hợp của hai bảo mẫu, nếu người đứng đầu chỉ nhắc nhở không thôi thì không đủ độ răn đe, và tình trạng này sẽ còn tái diễn... Nói về việc này, tôi nhớ đến một trường hợp ở trong TPHCM khi ông bố bất lực đứng nhìn con bị điện giật chết do trời mưa ngập cột điện, mặc dù đã gọi điện thông báo với cơ sở cắt điện nhưng sự thiếu trách nhiệm của cán bộ nhận thông tin đã không xử lý kịp thời nhưng rồi cũng không quy được trách nhiệm cho người đứng đầu…

Tôi đã kiến nghị với Chính phủ, mỗi một công việc, người đứng đầu từng mắt xích công việc, phải xây dựng cơ chế chịu trách nhiệm. Cơ quan nào cũng phải mô tả rõ công việc của từng công chức thì sau này mới quy trách nhiệm rõ ràng được.

Bản thân cá nhân tôi rất trăn trở và lo ngại về tình trạng bạo hành trẻ em và trẻ em bị bạo hành. Tôi rất mong, nhân việc này các ngành chức năng phải xử lý nghiêm với 2 bảo mẫu và xác định trách nhiệm cụ thể chính quyền địa phương. Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương có giải pháp hữu hiệu để tổ chức cơ sở chăm nuôi trẻ nhỏ nói chung và trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi, và đặc biệt dưới 12 tháng tuổi nói riêng, đảm bảo an toàn và chất lượng, không để tồn tại cơ sở chăm nuôi trẻ em không phép như hiện nay. Có như vậy mới tạo sức răn đe, làm gương cho những trường hợp khác và để ngăn chặn, không tái diễn những hình ảnh đau lòng như vừa qua.

Xin cảm ơn bà!

Quang Phong