1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Không nên dùng biện pháp hành chính để hạn chế đăng kí xe”

(Dân trí) - Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh như vậy bên lề kì họp Thường vụ Quốc hội. Ông Dũng cũng cho rằng, giá xe ô tô của ta cao nhưng chi phí bảo đảm cho phương tiện hoạt động lại thấp so với các nước...

Thưa ông, trước đây một số địa phương thực hiện dùng camera để theo dõi những vi phạm giao thông, nhưng hiệu quả chưa cao. Theo ông, nếu lần này thực hiện, cần phải như thế nào?

Thứ nhất, lúc đó mới là quyết định của địa phương nên tính pháp lí chưa cao. Thứ hai, mới đầu đi vào tổ chức thực hiện còn nhiều lúng túng. Theo tôi, cái đó phải rút kinh nghiệm để thực hiện cho tốt hơn.

Nếu căn cứ vào camera để xử lí vi phạm giao thông thì liệu căn cứ pháp lí có bảo đảm?

Chính phủ cho phép, Chính phủ được quyền quyết định vấn đề đó.

Nếu áp dụng camera trong xử phạt cũng rất khó tìm ra xe vi phạm sau khi đã có hình ảnh. Theo Bộ trưởng có nên áp dụng với ô tô trước?

Cái đó cũng là một ý kiến hay. Theo tôi có thể áp dụng từng bước và áp dụng với ô tô trước. Kinh nghiệm từ các nước, người ta cũng sử dụng camera trong việc xử phạt vi phạm giao thông.

Tất nhiên, người ta tổ chức khoa học, quản lí tốt nên thực hiện hiệu quả, còn nếu mình quản lí không tốt, tổ chức không khoa học, luộm thuộm này nọ thì nó có thể hạn chế. Nhưng sử dụng các phương tiện này để kiểm soát, xử lí hành chính là cần thiết.

Vừa rồi có phản ánh của dư luận về việc các cơ quan chức năng tạm giữ xe làm xe cộ bị hư hỏng, mất mát đồ đạc. Theo Bộ trưởng có biện pháp gì thay thế hoặc nếu vẫn giữ thì phải như thế nào?

Trong Nghị định 146 sửa đổi qui định, việc tạm đình chỉ phương tiện tham gia giao thông nếu bị vi phạm có 2 cách. Một là tạm giữ xe, hai là tạm giữ giấy lưu hành. Có thể phương tiện anh vẫn giữ, nhưng các giấy phép, giấy đăng kí rồi bằng lái xe thì có thể tạm giữ.

Đấy là trong những trường hợp cần thiết phải áp dụng chế tài này ngoài xử phạt. Công an sẽ quyết định như thế nào cho phù hợp trong từng điều kiện cụ thể. Nếu tạm giữ phương tiện thì cũng phải xem xét để rút kinh nghiệm về quản lí phương tiện đó như thế nào. Cái này trách nhiệm bên Bộ Công an và chúng tôi sẽ có phối hợp để làm tốt hơn.

Có nhiều ý kiến cho rằng cần phải bãi bỏ tạm giữ phương tiên lâu dài?

Theo tôi trước mắt vẫn phải áp dụng nhưng về lâu dài thì có thể nghiên cứu, có thể lại tăng mức xử phạt lên nữa nhưng không giữ phương tiện. Tuy nhiên, hiện tại có những hành vi nếu không giữ phương tiện lại tiếp tục gây ra tai nạn, ví dụ như đua xe, uống rượu...

Trong báo cáo giám sát có nói đến việc cần phải mạnh tay hơn nữa trong việc đánh thuế các phương tiện cá nhân. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Về hướng, chúng tôi đồng ý với việc xem xét tăng thuế. Ví dụ bây giờ tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới thì hầu hết các nước đều có thuế về phí giao thông, môi trường để hỗ trợ cho việc duy tu, bảo dưỡng giao thông, hỗ trợ cho việc cải thiện môi trường giao thông rồi nhiều loại phí.

Báo cáo giám sát của UB Quốc phòngn - an ninh cho rằng, một trong những lí do ùn tắc và tai nạn giao thông là quĩ đất cho giao thông quá thấp. Trong thời gian tới chúng ta hướng gì mới để tình hình khả quan hơn?

Đúng là như vậy. Quĩ đất dành cho giao thông, giao thông tĩnh và giao thông lưu thông rất thấp. Theo qui định là khoảng từ 20-25% quĩ đất dành cho giao thông tĩnh và giao thông lưu thông nhưng trên thực tế chúng tôi nắm được là 5-7%. Vấn đề này phải nằm trong một qui hoạch kinh tế, xã hội tổng thể gắn với qui hoạch giao thông chứ không tách rời ra được. Phải làm sao đảm bảo tiêu chí này.

Chúng ta đã bãi bỏ việc hạn chế đăng kí xe máy nhưng vừa qua vẫn có ý kiến cho rằng nên dừng đăng kí?

Nếu áp dụng biện pháp hành chính để mà hạn chế đăng kí thì không nên. Chúng ta phải nghĩ các biện pháp khác.

Xin cám ơn ông!

Mạnh Cường (ghi)