Không nể nang, né tránh khi xử lý các vấn đề vi phạm của nội bộ
(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ coi trọng công tác giám sát, kiểm tra nội bộ; không để xảy ra tình trạng xuê xoa, dễ dãi, nể nang, né tránh khi xử lý các vấn đề vi phạm của nội bộ.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Thanh tra Chính phủ mới đây. Theo đó, Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ của ngành thanh tra rất nặng nề, phức tạp, nhạy cảm. Thanh tra không chỉ để phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, mà còn phát hiện những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị biện pháp khắc phục…
Vì thế cán bộ thanh tra phải có tư tưởng chính trị vững vàng, bản lĩnh, kiên trì trong công tác, biết đặt lợi ích chung lên trên hết, công tâm, khách quan, đúng pháp luật khi thực thi công vụ.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, tăng cường xây dựng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn và công cụ kiểm tra, giám sát. Coi trọng công tác giám sát, kiểm tra nội bộ, không để xảy ra tình trạng xuê xoa, dễ dãi, nể nang, né tránh khi xử lý các vấn đề vi phạm của nội bộ.
Về một số vấn đề, nhiệm vụ cụ thể của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, qua công tác thanh tra cần tăng cường phát hiện các sơ hở, bất cập của chính sách pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, nhất là hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng. Trong đó chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: Đất đai, đầu tư công, tài nguyên khoáng sản, xây dựng, ngân hàng, chi tiêu thường xuyên…
Kết thúc các cuộc thanh tra đã kéo dài quá thời hạn
Thủ tướng yêu cầu triển khai có hiệu quả kế hoạch thanh tra năm 2021, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tập trung thanh tra chuyên đề diện rộng, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; xử lý nghiêm và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc xử lý các vụ việc phức tạp, không để phát sinh thành "điểm nóng". Trong quá trình giải quyết, cần coi trọng và làm tốt công tác đối thoại, hòa giải.
Người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền phải thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013 và Quy định số 11/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ phải khẩn trương chỉ đạo kết thúc các cuộc thanh tra đã kéo dài quá thời hạn quy định và sớm ban hành kết luận thanh tra; đồng thời, thực hiện việc kiểm tra, xử lý sau thanh tra theo quy định đối với các cuộc thanh tra đã ban hành kết luận thanh tra. Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có biểu hiện cố tình trì hoãn, không thực hiện kết luận thanh tra thì phải kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý đối với việc thu hồi tài sản, đất đai có vi phạm, nhất là đối với các kết luận thanh tra phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Thanh tra Chính phủ phải thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; khẩn trương hoàn thiện đề án trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 8/2021 để tổ chức triển khai, thực hiện, làm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Nghị định quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.