1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không khí ở các thành phố ô nhiễm nặng

(Dân trí) - Số liệu quan trắc tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng... cho thấy, nồng độ bụi thường vượt chuẩn 2-4 lần, nồng độ chì và một số loại khí phát thải từ hoạt động giao thông có xu hướng tăng cao, dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người.

Chất lượng xăng, dầu chưa đảm bảo

Tại lễ công bố báo cáo môi trường quốc gia 2007, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã đưa ra lời cảnh báo: Môi trường không khí bao quanh hầu hết các khu vực trong thành phố lớn đều bị ô nhiễm bụi và khí thải độc hại. Cùng đó, với tốc độ tăng trưởng xe cơ giới từ 10-20% tại các thành phố lớn như TPHCM và HN hiện nay thì lượng phát thải các khí gây ô nhiễm dự báo đến năm 2010 tăng từ 2-5 lần. Điều này có tác động rất lớn đến chất lượng không khí môi trường của các thành phố.

Số liệu quan trắc tại các trạm đặt trên một số tuyến đường cho kết quả: nồng độ bụi cao hơn chuẩn từ 2-3 lần, có những nơi như ngã tư An Sương (TPHCM) có nồng độ bụi hơn mức cho phép gần 4 lần.

Tại Hà Nội, ô nhiễm bụi nặng nhất là các điểm: Đuôi Cá (cửa ngõ phía Nam Hà Nội), đường đê sông Hồng đoạn từ Yên Sở đến dốc Minh Khai, khu vực chân cầu Thăng Long, đường Phạm Văn Đồng, đường Khuất Duy Tiến, Ngã tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng, ngã ba Nguyễn Phong Sắc - Trần Đăng Ninh.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại hầu hết các thành phố còn lại trên toàn quốc.

Cũng theo báo cáo này, ở nước ta hiện nay lượng phương tiện tham giao thông đang gia tăng nhanh chóng. Trong khi đó chất lượng xăng dầu vẫn chưa đạt tiêu chuẩn cao, dẫn đến tình trạng phát sinh một lượng lớn chì từ khí thải của các phương tiện giao thông. Theo số liệu quan trắc của chi cục Bảo vệ Môi trường TPHCM, từ năm 2005 nồng độ chì trung bình đã tăng 1,4-2,4 lần. Nồng độ khí benzen, toluen và xylen đều có xu hướng gia tăng cao gấp 2-4 lần ở các trục giao thông tập trung lưu lượng phương tiện giao thông lớn.

Cư dân thành phố suy yếu do ô nhiễm môi trường

Báo cáo này cũng cảnh báo về tác hại của các chất gây ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe dân cư thành phố. Ô nhiễm không khí làm gia tăng các bệnh về hô hấp, thúc đẩy quá trình lão hóa, chức năng phổi bị suy giảm. Các bệnh viêm phổi, ung thư, tim mạch tăng cao và làm giảm tuổi thọ của con người. Các đối tượng dễ mắc phải là: người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người thường xuyên phải làm việc ngoài trời...

Ước tính, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe đã lên tới hàng chục tỷ đồng.

Để giải quyết các thực trạng nêu trên, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, Bộ sẽ ưu tiên thực hiện trong thời gian tới một số vấn đề như: xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí và thực hiện kiểm kê nguồn phát thải; kiểm soát, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm bụi, tăng cường áp dụng một số biện pháp nhằm kiểm soát giảm phát thải chất gây ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông, ngành công nghiệp; kiểm tra, giám sát chất lượng xăng dầu.

P. Thanh