(Dân trí) - Trời mưa, nhưng hàng ngàn người dân ở Thủ đô đã đổ ra đường đón năm mới. Tại TPHCM, Hội An, Huế trên nhiều con phố lớn cũng ngập tràn ánh đèn, tiếng cười nói, lời chúc mừng… Còn tại Nghệ An, mưa phùn và giá lạnh dường như khiến không khí trầm lặng hơn...
Từ 18h tối, giao thông trên toàn TP Hà Nội tê liệt vì lượng người và phương tiện đổ ra đường trong ngày cuối năm quá lớn. 20h, trời bắt đầu lất phất mưa bụi, những con đường nhỏ của Hà Nội vắng lạnh!
Không có thói quen tổ chức “ăn” Tết Tây trên đường phố, nhưng Lễ hội hoa xung quanh hồ Hoàn Kiếm được tổ chức đúng dịp đã thu hút hàng người đến thưởng lãm và chào đón năm mới 2010.
Hàng nghìn người chen chân đổ xô về Lễ hội hoa để thưởng lãm...
Trên phố Đinh Tiên Hoàng, không gian Lễ hội rực rỡ ánh đèn điện, đèn trang trí tô điểm cho phố hoa nhiều màu sắc. Thích thú, người người chen chân ngắm hoa, rầm rộ tạo dáng bên các biểu tượng nghệ thuật, chạm tay vào hoa… để chụp ảnh khiến lực lượng cảnh sát và bảo vệ được phen vất vả vì phải theo sát để trông hoa.
11h30 phút, khi Lễ hội hoa bắt đầu tắt điện, đóng cửa cũng là lúc Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục chật cứng người, trong đó có rất nhiều du khách nước ngoài tại Hà Nội đã tề tựu về đây để vui chơi với người Việt Nam và cùng chào đón năm mới của chính mình.
... và tụ tập bên hồ Hoàn Kiếm chờ đón năm mới 2010
Sự hòa đồng của người dân Hà Nội và du khách nước ngoài
khi cùng chơi đá cầu tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục
Sát giờ G, mưa càng thêm nặng hạt. Đêm giao thừa Tết Dương lịch, Hà Nội không có pháo hoa và pháo bông, nhưng khi khoảnh khắc giao thừa cận kề, không khí đón năm mới được thể hiện trong những tiếng đếm ngược đồng thanh và mọi người bắt đầu hò reo khi đồng hồ điểm tới con số 12h.
Trong những tràng pháo tay tán thưởng của mọi người, nhiều đôi trai gái người nước ngoài ôm nhau, hôn nhau hạnh phúc đúng thời khắc giao thừa. Tòa nhà Hàm Cá Mập trước Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục càng thêm vui nhộn trong tiếng hò reo nhiều người. Happy new year!
Vị khách nước ngoài này đón năm mới theo cách của riêng mình
Hạnh phúc trong thời khắc giao thừa
Chị Maria (du khách Anh) xúc động: “Tôi đã chọn Việt Nam là điểm đến du lịch trong dịp nghỉ Tết và tôi thực sự rất vui khi đón giao thừa bên hồ Hoàn Kiếm tại Hà Nội. Chúc năm mới thật vui và hạnh phúc! Chúc mừng Hà Nội 1.000 năm tuổi!”.
Gần 1h sáng, người dân Hà Nội bắt đầu đội mưa trở về nhà trong niềm hân hoan đã bước sang năm mới 2010.
TPHCM náo nhiệt trên từng con phố
Như mọi năm, đích đến của mọi con đường trong dịp năm mới vẫn làtrung tâm quận 1, tại đây, dòng người đổ vềliên tục không ngớt đã khiến cho một loạt trục đường lớn như: Đại lộ Lê Duẩn, Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ nhiều đoạn đã trở thành phố đi bộ nhưng vẫn bị tắc nghẽn. Không khí lễ hội hiển hiện trên từng gương mặt, từng nụ cười… của du khách đón xuân.
Cung đường Lê Lợi được kết những dây đèn nháy trở nên lung linh huyền ảo. (Ảnh: Phan Anh - Vân Sơn)
Cổng vào công viên 23 tháng 9 rực rỡ đèn hoa. (Ảnh: Phan Anh - Vân Sơn)
Với những người Việt Nam, tết Nguyên Đán vẫn là cái tết mang nhiều ý nghĩa nhất, đó là quãng thời gian mà cả gia đình sum vầy. Bởi vậy tết Dương lịch được xem như là dịp để nhưng dười dân thỏa sức đổ ra đường vui chơi. Còn với những du khách phương tây, tết Dương lịch vẫn là tết chính của họ vậy nên nhiều du khách đã tỏ ra rất ngạc nhiên và hạnh phúc vì được đón một cái tết náo nhiệt và vui vẻ như vậy.
Bé lạ lẫm vì chưa bao giờ được nhìn thấy đông người như thế này. (Ảnh: Phan Anh - Vân Sơn)
Mac Anthony - Một du khách đến từ châu Âu cho biết: “Tôi thật sự bất ngờ, ở nước tôi, trong dịp tết người ta thường ở nhà vì trời rất lạnh, lại có tuyết nữa. Họ sẽ tranh thủ quãng thời gian đó để nghỉ ngơi chứ không ra đường nhiều. Vậy nên tôi rất ngạc nhiên khi các bạn đón năm mới vui như vậy. Đây thực sự là một dịp rất đặc biệt và tôi rất vui vì đã có mặt ở đây, trong lúc này”.
Còn cô bạn đi cùng Bell Hagger thì cho biết, tuy mới sang Việt Nam lầnđầu nhưng cô khá quen thuộc với cách người Việtđón tết cổ truyền và thậm chí cô còn biết tết của người Việt còn lâu nữa mới tới. “Ở chỗ tôi sống có khá nhiều người Việt, họ thường đón tết sau chúng tôi khoảng một vài tháng. Tôi có vài người bạn gốc Việt và ngày tết của họ, họ thường mời tôi đến chơi và tặng cho tôi lì xì. Đó là điều tôi thích nhất”.
Du khách đón năm mới trên đất Việt. (Ảnh: Vân Sơn - Phan Anh)
Cũng tại TPHCM, ngay từ ngày 26/12, tại Công viên 23-9 (quận 1), UBND TP HCM đã tổ chức khai mạc lễ hội chào năm mới 2010 với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực các vùng miền. Trong khuôn khổ lễ hội, người xem được giới thiệu những hình ảnh mang nét đặc trưng: trang phục, nhạc cụ, sinh hoạt... của các dân tộc tại TPHCM, hay các trò chơi dân gian như ném pháo đất, nhảy sạp, câu cá, bịt mắt đập tre…
Nặn bùn để chơi pháo đất
Bé cùng bố gắn tiền tạo thành biểu tượng chào mừng 1000 năm Thăng Long, số tiền này sẽ ủng hộ cho người nghèo đón tết.
Trò chơi bịt mắt đập gậy được các bạn trẻ rất thích. (Ảnh: Hoài Lương)
Đặc biệt năm nay, Thành đoàn TP HCM tổ chức gắn các đồng tiền xu thành một hình tượng biểu trưng cho lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Theo ban tổ chức, người dân sẽ được đổi các đồng tiền xu từ ban tổ chức và gắn lên thành biểu tượng. Số tiền này được hỗ trợ cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ăn tết Canh Dần.
Được biết, ngoài Công viên 23/9, tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), Khu chế xuất Linh Trung I - II (quận Thủ Đức), Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Khu công nghiệp Tân Bình, Khu công nghiệp Tân Tạo, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Trung tâm Văn hoá quận 12, Công viên Gia Định, Công viên Lịch sử Văn hoá Dân tộc... cũng có nhiều hoạt động diễn ra chào đón năm mới 2010.
Huế “phá lệ” - ra đường đón năm mới!
CảTP Huế rộn ràng trong đêm cuối cùng năm cũ, trong thời khắc đếm ngược chào năm 2010 tràn đầy niềm vui.
Tiệc năm mới tại khách sạn Duy Tân với tiết mục do thiếu nhi biểu diễn (Ảnh: Đ.Dương)
Tại nhà văn hóa Trung tâm TP Huế, người người đứng tràn cả lối đi theo dõi các tiết mục văn nghệ quần chúng. Không gian “Mùa lễ hội” tại Khách sạn (KS) Celadon Palace lần đầu tiên chào đón nhóm nhạc đến từ Philippines với những bản cover tiếng Anh bất hủ như Hotel California, Happy New Year đầy hứng khởi. Nhiều “khách lẻ” là dân Huế cũng phá bỏ thói quen ở nhà, đến đây mua vé ẩm thực, ngồi xem ca nhạc. Tại mọi sân khấu của TP, người đầy ắp. Nhiều nhà hàng, quán nhậu không còn chỗ trống.
Múa rồng chào năm mới trong đêm Giao thừa tại KS (Ảnh: Đ.Dương)
Sân trước KS Duy Tân rộn ràng với nhiều nhóm nhảy nhí trong tiếng vỗ tay không ngớt của nhân viên được nghỉ xả hơi trong buổi tiệc cuối năm. Những con rồng dài múa biểu diễn cho khách Tây, Ta đi đường xem tại KS Camellia như một dấu hiệu tốt báo hiệu một mùa du lịch khởi sắc tại Huế sau một năm đầy khủng hoảng. Dạ nhạc tiệc linh đình trong không gian kín, ấm áp ở KS Hương Giang, Morin cũng đầy ắp khách nước ngoài.
Còn tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh, sinh viên đến từ tất cả trường ĐH, CĐ đã tổ chức chơi qua đêm! Diễn ra từ 7h tối, sân khấu chính đón hơn 100 tiết mục đa dạng. Rất nhiều màn trình diễn thời trang, múa võ, rock, rap… cùng các trại trò chơi như vẽ mặt, ném lon, ẩm thực SV. Hơn 3000 sinh viên đã có mặt và chung vui chào đón năm mới, hát ca khúc “Happy New Year” vào đúng 0h ngày 01/01.
SV Huế hát bài Happy New Year 2010 đúng 12 h đêm tại Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh (Ảnh: Đ.Dương)
Một đêm đặc biệt, TP Festival của Việt Nam đã “phá lệ” với đầy tiếng nhạc, tiếng cười trên các đường phố.
Hội An: Vũ hội đường phố chào năm mới
Hàng ngàn người dân và du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đến Hội An trong đêm giao thừa tết Dương lịch đã có những giây phút chuyển giao tạm biệt năm 2009, chào năm mới 2010 khó quên trong ánh sáng lung linh khắp khu trung tâm phố cổ.
Du khách đến từ Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc… như gặp lại hình ảnh quê hương xứ sở khi dõi theo đoàn vũ hội đường phố với các diễn viên hoá trang trong trang phục dân tộc các nước. Mọi người hân hoan chúc nhau năm mới hạnh phúc, an lành trong ánh sáng toả ra từ những chiếc đèn cầy ngộ nghĩnh, từ những đèn lồng, từ những cánh hoa đăng dập dìu trên dòng sông Hoài và cả pháo sáng.
(Ảnh: Khánh Hiền)
Vũ hội hóa trang trên đường phố Hội An (Ảnh: Khánh Hiền)
Một gia đình du khách nước ngoài chào năm mới tại phố cổ Hội An (Ảnh: Khánh Hiền)
Nghệ An: Pháo vẫn lẹt đẹt nổ, người dân ngủ sớm
TP.Vinh đêm giao thừa mưa phùn rơi đậm hạt hơn, người đổ ra đường để đón chào năm mới 2010 dường như ít hơn năm trước. Hơn 23h, các nẻo đường của thành phố Vinh đã chìm vào tĩnh lặng. Chỉ một số ít thanh niên đi ngoài đường hoặc tập trung tại khu vực trung tâm để đón chào năm mới, nhưng thời tiết dường như đã tiết chế sự hứng khởi. Bạn trẻ Nguyễn Tuấn Anh cho biết, "người dân Việt Nam đón tết Âm quen rồi, nên việc chuẩn bị cho tết Dương lịch chẳng mấy ai để ý. Chúng em đây đi nhậu một chầu rồi cả nhóm kéo nhau ra đường nhưng không được vui như năm ngoái. Hơn nữa, thời tiết năm nay mưa phùn cộng với lạnh nên ít người ra đường".
Ghi nhận của PV Dân trí tại TP.Vinh lúc 23h30 phút, thi thoảng tiếng pháo nổ đì đẹt lại vang lên ở một số khu vực như phường Cửa Nam, Nghi Phú… Riêng địa bàn một số phường như Đông Vĩnh, Hưng Dũng, Hồng Sơn, xã Hưng Lộc, Hưng Đông, xã Nghi Kim…. gần như 100% các gia đình đã tắt điện đi ngủ trước 23h.
Các nẻo đường, trung tâm Quảng trường Hồ Chí Minh vắng tanh người…
Đ.Dương - K.Hiền - N.Duy - Vân Sơn - Phan Anh -Hoài Lương - Như Quỳnh