1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp:

Không để thủ tục hành chính gây phiền hà

(Dân trí) - Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích tự do kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư vào khu vực kinh tế nông thôn - đó là 3 ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tại Hội nghị Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp khai mạc hôm qua (09/02) tại Hà Nội.

Tâm sự cùng các doanh nhân, Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết, trong năm 2006 Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa về cải cách các thủ tục hành chính, tránh để các cơ quan quản lý nhà nước gây phiền hà cho doanh nghiệp. Sẽ có khoảng 60 văn bản luật và 300 Nghị định được Chính phủ trình Quốc hội thông qua trong năm nay. Các văn bản này sẽ góp phần làm thông thoáng hơn môi trường đầu tư và kinh doanh trong nước.

Đây là sự kiện được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trông đợi từ lâu và được đánh giá là một “Hội nghị Diên Hồng” về đổi mới doanh nghiệp Việt Nam. Hội nghị này có sự tham gia của 650 đại biểu, trong đó có 22 nhà khoa học, một số lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và hơn 600 doanh nhân.

Thủ tướng cũng nhắc nhở các doanh nghiệp, tuy nhà nước khuyến khích tự do kinh doanh nhưng chỉ nên tập trung vào các ngành nghề ích nước lợi dân, nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do kinh doanh để kiếm lời bất chính.

“Hiện nay chúng ta mở quá nhiều điểm kinh doanh Vũ trường, Karaoke, Massage, Internet cà phê, hội hè mê tín dị đoan. Phải có lãi thì họ mới đầu tư mạnh thế, nhưng nhiều nơi đã đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc ta.” - Thủ tướng tâm sự.

Tại Hội nghị lần này, ngoài hàng trăm ý kiến được VCCI tập hợp trong 3 bản báo cáo đã có 19 ý kiến phát biểu trực tiếp từ phía các doanh nghiệp. Vấn đề khiến nhiều đơn vị bức xúc nhất là vẫn còn sự phân biệt đối xử, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ các ngành nghề nông thôn. Từ sự phân biệt này khiến các doanh nghiệp rất khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Trả lời những thắc mắc trên, ông Lê Đức Thúy, Thống đốc NHNN Việt Nam, cho biết: Nhiều doanh nghiệp và một số quan chức hiện nay vẫn chưa hiểu về ngân hàng thương mại, họ chỉ nghĩ đó là một đơn vị quản lý vốn của Nhà nước mà không biết rằng ngân hàng thương mại cũng là một loại hình doanh nghiệp. Họ cũng gặp những khó khăn, rủi ro không khác gì những doanh nghiệp khác.

Ông Thúy phát biểu: “Các doanh nghiệp kêu ngân hàng quá khó khăn khi cho vay vốn trong khi họ không biết rằng tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng chúng ta mới chỉ đạt 5-6%, tiền ít thì phải cho vay ít là dễ hiểu. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các ngân hàng nước ngoài, tuy nhiên tôi chưa hề thấy doanh nghiệp nước ngoài nào kêu vay vốn ngân hàng Việt Nam khó cả.”

Theo Thống đốc ngân hàng Lê Đức Thúy, trong xu thế hội nhập hiện nay thì ngân hàng thương mại và doanh nghiệp là các đối tác bình đẳng. Tuy nhiên, ông Thúy cũng thừa nhận còn một số yếu kém trong tư các đạo đức và nghiệp vụ đánh giá thẩm định của các cán bộ tín dụng ngân hàng. “Một số giám đốc ngân hàng cổ phần thừa nhận vẫn còn việc cán bộ tín dụng thẩm định thiên vị cho các doanh nghiệp, tôi nghĩ trong ngân hàng nhà nước chắc còn cao hơn.”

Tệ nạn này trong các ngân hàng là điều khiến rất nhiều doanh nghiệp lên tiếng trong thời gian qua, bởi theo họ, sự thiên vị đó khiến người đáng được vay vốn thì không được tiếp cận vốn trong khi đó người kinh doanh không có lãi có thể được vay thoải mái.

Để giải quyết những khó khăn về vốn, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, thị trường chứng khoán mới là con đường lâu dài của các doạnh nghiệp. Ông Nguyễn Sinh Hùng rất lạc quan với kế hoạch 15 tỷ USD trên thị trường chứng khoán vào năm 2010.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mức tăng trưởng trong thời gian qua của thị trường chứng khoán luôn đạt từ 150 – 300%. Bộ trưởng Hùng cam kết, từ nay đến 2010 sẽ đạt mức tăng trưởng trên 150%.

Trần Đức