1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm mới đúng là cán cân công lý

Chủ tịch nước ghi nhận: Quá trình dân chủ hóa trong hoạt động tư pháp đã mang lại kết quả tốt trong thời gian qua, được nhân dân đánh giá cao kể cả khâu điều tra, truy tố, xét xử. Không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm mới đúng là cán cân công lý.

Ngày 25/8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) về việc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và những kết quả cải cách tư pháp trong 6 tháng đầu năm 2014.

 

Không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm mới đúng là cán cân công lý
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

 

Theo báo cáo của TANDTC và VKSNDTC, sau khi có kết luận 92-KL/TƯ ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, hai ngành Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân đã quán triệt sâu rộng đến đảng viên, cán bộ, công nhân viên nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với nhiệm vụ cải cách tư pháp. Bên cạnh đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện các đề án, thể chế hóa quy định pháp luật, đổi mới kiện toàn tổ chức... thì hai ngành Tòa án và Kiểm sát đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ gắn nhiệm vụ trọng tâm với thực hiện cải cách tư pháp. Qua đó, 6 tháng đầu năm số lượng các vụ án được giải quyết tăng so với cùng kỳ năm trước, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, tranh tụng tại phiên tòa được đẩy mạnh, không để xảy ra các trường hợp truy tố hay kết án oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

 

Thảo luận tại các buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan trong việc sớm triển khai Kết luận 92 của Bộ Chính trị, khẳng định tầm quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp trong giai đoạn mới. Các đại biểu cũng nên lên những vướng mắc trong lý luận và thực tiễn về mô hình tố tụng, tổ chức của ngành Tòa án và Kiểm sát như xác định vai trò trung tâm của Tòa án và vấn đề nhận thức "Quyền tư pháp"; cơ chế phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong hoạt động tư pháp; hình thức và chất lượng tranh tụng... Sự cần thiết thống nhất trong xây dựng các đề án, thể chế hóa các đạo luật theo tinh thần Hiến pháp mới... để đáp ứng tiến trình cải cách tư pháp trong thời gian tới.

 

Phát biểu kết luận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến chiến lược cải cách tư pháp, trong đó việc ban hành kết luận 92-KL/TW đầu năm nay chính là cơ sở để tiếp tục thực thi với mục tiêu làm sao kết quả hoạt động tư pháp tương xứng với hoạt động hành pháp và lập pháp của nước ta. Điều đó không có nghĩa là tách rời hoạt động mà có sự phân công nhiệm vụ, đồng thời có cơ chế phối hợp kiểm soát lẫn nhau.

 

Lắng nghe phân tích của các đại biểu về cơ quan nào thực hiện "quyền tư pháp", vị trí tòa án, vai trò kiểm sát trong hoạt động tư pháp... Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là vấn đề hệ trọng cần phải nghiên cứu làm rõ nội hàm của "quyền tư pháp" để khi thể chế hóa vào các đạo luật phù hợp với đặc điểm hệ thống chính trị của nước ta. Bên cạnh đó có định hướng thể chế hóa vị trí trung tâm của Tòa án, vai trò của Viện kiểm sát trong hoàn thiện Luật tổ chức TAND và Luật tổ chức VKSND theo tinh thần Hiến pháp 2013, cũng như trong Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

 

Hoan nghênh hai ngành Tòa án và Kiểm sát đã đạt được kết quả tích cực trong cải cách tư pháp thời gian qua, cũng như trong 6 tháng đầu năm 2014, nhất là việc nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng góp phần chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, đặc biệt việc dân chủ hóa, công khai, dám chịu trách nhiệm đã củng cố niềm tin của nhân dân vào các cơ quan tư pháp, Chủ tịch nước ghi nhận: Quá trình dân chủ hóa trong hoạt động tư pháp đã mang lại kết quả tốt trong thời gian qua, được nhân dân đánh giá cao kể cả khâu điều tra, truy tố, xét xử. Trong việc phát hiện oan sai, sót lọt tội phạm, các cơ quan tư pháp đã hoạt động rất tích cực, thẳng thắn nhận khuyết điểm, dám sửa, được người dân hoan nghênh. Không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm mới đúng là cán cân công lý.

 

Chỉ rõ một số tồn tại như tiến độ xây dựng một số đề án còn chậm, số lượng đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên nhất là cấp huyện còn thiếu và yếu, án tồn đọng còn cao, Chủ tịch nước nhấn mạnh cải cách tư pháp hiệu quả hay không vẫn là do con người, vì vậy phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, bám sát tư tưởng chỉ đạo để thể chế hóa Hiến pháp mới, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn trong hoạt động tư pháp để đóng góp cho văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp tới.

 

Ghi nhận những kiến nghị về chế độ tiền lương, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện cho 2 ngành, Chủ tịch nước lưu ý những đề xuất cần được xem xét, tính toán trong tổng thể chung giữa các ngành nhằm vừa đáp ứng được nhiệm vụ của các ngành vừa hài hòa cho sự phát triển chung của đất nước.

 

Tán thành với phương hướng, nhiệm vụ của 2 ngành trong 6 tháng cuối năm, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan tăng cường tuyên truyền Hiến pháp mới, tinh thần Kết luận 92 tới đảng viên cán bộ, công chức, nghiên cứu sâu sắc bài học kinh nghiệm rút ra sau 8 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, từ đó tạo nhận thức thống nhất để thực hiện tốt yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới.

 

Theo TTXVN/ Tin Tức