1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không đẻ ở Mụ Nằm

Thôn Mụ Nằm (Thượng Lộ, Nam Đông, TT-Huế) đang khiến cán bộ Cục Dân số tỉnh này... “lo lắng ” bởi suốt 10 năm nay không có ai “chịu” đẻ thêm con thứ ba. Như lời một cán bộ truyền thông: “Ai cũng kế hoạch hoá tốt như họ thì chúng tôi lấy đâu ra việc mà làm?”.

Ấn tượng Mụ Nằm

 

Mụ Nằm trải dọc triền suối Ka Zang quanh co, bắt nguồn từ huyện Nam Giang (Quảng Nam). Cả thôn vỏn vẹn 30 hộ dân người Cơ Tu, nhưng đường sá khang trang sạch đẹp tới mức không nhìn thấy một cọng rác, hay túi nilông  nào vương vãi dọc đường. Nhà ai cũng là nhà mới, tường xây, ngói đỏ, bên trong đầy đủ tiện nghi. Nhà nào ở đây cũng có một  mảnh vườn rộng từ 1 - 2 sào trồng rau xanh và 5 - 7ha rừng trồng cây keo tràm đã nhiều mùa thu hoạch. Sự trù phú của thôn Mụ Nằm bây giờ thật tương phản với cách đây 10 năm khi tôi lần đầu tiên đặt chân đến đây. Ngày đó Mụ Nằm đường đất lầy lội, nhà cửa chắp vá, tạm bợ. Cuộc sống người dân khó khăn tứ bề, bởi quanh năm chỉ mỗi việc “chặt đốt cốt trỉa” trên rừng.

 

Không đẻ ở Mụ Nằm  - 1

Nhờ 10 năm liền không sinh con thứ ba nên tất cả trẻ em của thôn Mụ Nằm bây giờ được đến trường. ảnh: H.V.M

 

“Mười năm rồi nhà báo không lên đây nên thấy lạ là phải rồi” - ông Hồ Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộ - trả lời về sự ngạc nhiên của tôi. Ông nói: “Nước nổi thì bèo nổi. Xã hội phát triển thì quê tôi cũng phát triển. Ở đây năm sau đã khác với năm trước rồi, nói chi đến 10 năm”. Ông phó chủ tịch nói sự thay đổi của Mụ Nằm đến từ hai nguyên nhân chính: Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm bằng việc thay đổi chính sách, giao đất, giao rừng cho dân trồng, chăm sóc. Việc giao đất, giao rừng đã tạo cho người dân một chuyển biến rất quan trọng và cơ bản về nhận thức. Họ đã từ bỏ thói quen sống dựa trên các loại cây ngắn ngày từ hàng trăm năm nay để chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực cho thu nhập tiềm năng là trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc. Chính điều này giúp cho họ có cơ hội thoát nghèo bền vững, cũng như không phát sinh thêm hộ nghèo mới.Và khi có thu nhập tiềm năng, tất nhiên họ sẽ không còn tư tưởng ỷ lại, ngồi chờ vào sự cứu trợ của Nhà nước mỗi khi giáp hạt như lâu nay nữa.

 

Từ những đổi thay về mặt kinh tế, nhận thức, người dân trong thôn cũng bắt đầu thay đổi, có cách nhìn mới về cuộc sống, đặc biệt là chính sách dân số, ít đẻ và đẻ có kế hoạch. “Bây giờ ở Mụ Nằm không còn ai đẻ một lúc 7 - 8 con như trước đây nữa, mà chỉ sinh 2 con theo như quy định của Nhà nước nên con cái nhà ai cũng được học hành, chăm sóc đầy đủ. Không như dạo trước, trẻ con ăn còn chưa đủ, chơi còn không được chơi, biết cầm rựa là phải theo ba mẹ đi làm rẫy, đốt rừng kiếm sống rồi, tính chi đến chuyện đi học”.

 

Ông phó chủ tịch còn khoe: “Mới hôm qua cán bộ ngành dân số tỉnh lên làm việc, thẩm định về xây dựng mô hình  không sinh con thứ ba ở đây, các anh chị đã hỏi đùa rằng vì sao Mụ Nằm... hơn 10 năm nay không đẻ? Nếu các thôn làng trên địa bàn tỉnh đều không đẻ như Mụ Nằm, chúng tôi - những người làm truyền thông về dân số, kế hoạch hoá gia đình việc mô nữa mà làm...”.

 

Bản cam kết... không đẻ

 

Ông Hồ Văn Bình - Trưởng thôn Mụ Nằm, một người Cơ Tu chính hiệu - rất tự hào về chuyện không đẻ của thôn mình: “Tôi cam đoan rằng ít nơi ở vùng cao mà lại thực hiện công tác dân số hiệu quả như ở Mụ Nằm”. Nhưng nói đi rồi ông... nói lại, rằng “thật ra, việc không đẻ ở thôn Mụ Nằm cũng có lý do của nó và hành trình thì nhiêu khê vô cùng”.

 

Chuyện bắt đầu từ năm 2000, Mụ Nằm, cũng như nhiều địa phương khác trong xã, huyện được chính quyền vận động, hưởng ứng xây dựng mô hình thôn, làng không sinh con thứ ba trở lên. Ông Bình kể: Ban đầu lệnh trên đưa về, ban chỉ đạo thôn tổ chức họp dân để vận động cùng ký vào bản cam kết không đẻ. Lúc ấy, phần lớn người trong thôn đều phản đối với lý do trời sinh voi sinh cỏ, hàng trăm năm nay rứa rồi. Với lại con cái là của trời cho, là chuyện tự nhiên của con người, đùng đùng nói hứa không đẻ là hứa kiểu răng? Rồi lâu nay cả thôn toàn kiếm sống bằng sức người, nếu cấm đẻ làm sao có người lên nương rẫy phát rừng, trồng ngô, trồng sắn? “Họp lui họp tới nhiều lần, đi từng nhà tuyên truyền, giải thích trẹo cả lưỡi về cái lợi, cái được của việc không sinh nhiều con, mãi cuối cùng người dân mới đi đến thống nhất, chịu ký vào bản cam kết” - ông Bình nói.

 

Điều đặc biệt là bản cam kết không đẻ ở thôn Mụ Nằm nó không giống với bất kỳ một bản cam kết nào đó tương tự khi ghi rất rõ: “Mỗi cặp chỉ sinh từ 1 đến 2 con, dù trai hay gái. Nếu ai vi phạm sẽ kiểm điểm trước dân, xử phạt một trường hợp sinh là 70kg thóc (quy ra tiền), nếu sinh con thứ tư phạt 120kg thóc; không được ưu tiên vay vốn sản xuất kinh doanh, không được miễn - giảm các khoản về lao động công ích trong 3 năm...”. Ký rồi vẫn chưa an tâm. “Kể từ lúc đó, mỗi khi trong làng có đám cưới, lễ hội, họp thôn, xóm..., các già làng, người có uy tín ở địa phương đều tranh thủ khuyên bảo, dặn dò con cháu nhớ giữ đúng cam kết với thôn. Chuyện này không chỉ là vấn đề ích nước, lợi dân mà còn là vấn đề thể diện của các gia đình đã đặt bút ký vào bản cam kết với thôn, với xã. Mà người đồng bào mình, họ coi trọng chuyện thể diện lắm” - ông Trần Văn Bốt - cán bộ chuyên trách dân số xã, đi làm đúng từ khi thôn Mụ Nằm đăng ký không sinh con thứ ba - kể lại.

 

Ông Hồ Văn Dũng - nhà ở đầu thôn, một trong những điển hình của việc không đẻ con thứ ba, hiện có 2 con, đứa lớn học lớp 5 và đứa nhỏ học lớp 1. Mặc dù kinh tế khá giả, có của ăn của để, nhưng ông nói “đã nhiều năm nay, hai vợ chồng không ai có ý nghĩ sẽ sinh thêm con”. Ông nói ý thức ấy bắt đầu từ hai lý do, một là anh không thể bội ước với thôn, với xã  khi đã cùng với các gia đình trên địa bàn cam kết không sinh con thứ ba trở lên. Thứ hai là từ bài học nỗi khổ đông con của những thế hệ đi trước, như chính bố mẹ ông đã từng phải sống cảnh đầu tắt, mặt tối do sinh quá nhiều con.

 

Không đẻ ở Mụ Nằm  - 2
Ông Hồ Văn Mông - một trong những người tiên phong đi triệt sản, dù trước đó phản đối hăng nhất chuyện không sinh thêm con thứ ba.

 

Ông Dũng khẳng định: “Thế hệ trẻ chúng tôi ngày nay phải khác, chỉ sinh 2 đứa thôi dễ chăm lo làm ăn, đầu tư cho con cái. Nếu vẫn đẻ nhiều như cha ông ngày trước thì sẽ rất khó khăn”. Một điển hình khác là vợ chồng ông Hồ Văn Mông. Ông Bình kể, ông Mông một chữ bẻ đôi không biết và gia đình thuộc loại nghèo nhất xã Thượng Lộ. Ngay buổi đầu khi nghe thôn phát động cam kết không sinh con thứ ba, ông Mông lắc đầu quầy quậy. Thế nhưng sau đó, chính ông là người tiên phong đi đình sản của xã, khi vừa sinh đứa thứ hai vào năm 2005. Hỏi sao không chọn phương pháp tránh thai khác như dùng bao caosu, ông cười: “Cán bộ nói triệt sản là an toàn nhất nên tôi nghe. Giờ nghĩ lại cảnh đông con như bố mẹ ngày xưa sợ lắm...”.

 

Suốt 10 năm nay, Mụ Nằm không có một gia đình nào sinh con thứ ba. Năm 2005, thôn Mụ Nằm được tỉnh thưởng 50 triệu đồng theo Quyết định 4043 của UBND tỉnh về xây dựng mô hình qua 5 năm không sinh con thứ ba trở lên. Số tiền ấy được san sẻ, chia đều cho các hộ gia đình xây nhà vệ sinh khép kín. Sắp tới, Mụ Nằm cũng sẽ nhận thêm 50 triệu đồng nữa với thành tích trên, nhưng đến giờ vẫn chưa biết dùng tiền thưởng để làm chi - ông trưởng thôn Bình khoe. Cả hai thời điểm, Mụ Nằm đều là một trong số ít những thôn miền núi hiếm hoi của Thừa Thiên - Huế được nhận thưởng. Với người dưới xuôi, có thể đó là chuyện bình thường. Nhưng với một thôn ở xã miền núi, toàn người Cơ Tu như Mụ Nằm, đó là một câu chuyện lạ, một bài học hay về công tác dân vận, rằng nếu biết cách nói với dân cũng như có giải pháp hợp lý, thì không có gì là không thể.

 

Theo Hoàng Văn Minh

Lao động