Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng:
Không có “vùng cấm” trong xử lý tiêu cực!
"Không được lấy lý do bảo vệ uy tín của Đảng, Nhà nước và của cán bộ, đảng viên để né tránh việc xử lý theo đúng pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của Đảng, không để có bất cứ "vùng cấm" nào nằm ngoài kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước“ - ông Vũ Quốc Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, khẳng định quan điểm trong việc xử lý những tiêu cực liên quan đến PMU 18.
Dưới đây là cuộc trao đổi của ông với TTXVN:
Với tư cách là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2), xin đồng chí cho biết vai trò của tổ chức cơ sở đảng và công tác kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm trước những tiêu cực tại PMU 18?
Tôi có thể khẳng định rằng tổ chức đảng ở PMU 18 bị tê liệt. Ủy ban kiểm tra của đảng bộ này không hoạt động, không kiểm tra khi thấy đảng viên có dấu hiệu vi phạm.
Vụ việc tiêu cực tại PMU 18 đã diễn ra từ lâu với nhiều đối tượng tham gia (đến nay đã khởi tố 5 bị can) và sai phạm nghiêm trọng trên nhiều mặt (chỉ riêng Bùi Tiến Dũng, nguyên TGĐ PMU 18 đã bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố với các tội danh: đánh bạc; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; đưa và nhận hối lộ).
Ngoài ra, tại PMU 18 còn nhiều sai phạm khác:
Hầu hết các dự án của PMU 18 làm chủ đầu tư đều có vấn đề về chất lượng. Một số đã được Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra tài chính, Thanh tra Bộ GTVT kết luận, yêu cầu phải làm lại, yêu cầu xuất toán nhiều tỉ đồng (chỉ riêng dự án cải tạo QL18, đoạn Nội Bài-Bắc Ninh đã phải xuất toán trên 60 tỉ đồng).
Việc tổ chức đấu thầu chỉ là hình thức (các nhà thầu đều là "sân sau", là "cánh hẩu", hoặc có "đi lại" với Bùi Tiến Dũng mới thắng thầu).
Hành xử với nhau theo kiểu "xã hội đen" (dùng côn đồ để dằn mặt nhau); phó tổng giám đốc đánh cả nhân viên coi xe...
Bản thân Bùi Tiến Dũng, ngoài các tội đánh bạc, đưa, nhận hối lộ còn vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, lối sống (đánh nhau, gây rối trật tự công cộng; bồ bịch; đi nhà hàng uống rượu say, hành xử theo kiểu côn đồ...).
Những sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng trên nhiều mặt, diễn ra trong thời gian dài, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên biết, song không đấu tranh, có biện pháp ngăn chặn, công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm không được thực hiện, điều đó một lần nữa khẳng định: Tổ chức đảng của PMU 18 bị tê liệt; Ủy ban kiểm tra của Đảng ủy PMU 18 không hoạt động.
Để xảy ra sai phạm trong đơn vị và những vi phạm về phẩm chất của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, tổ chức cơ sở đảng ở đó như thế nào, thưa đồng chí?
Để xảy ra sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng trên nhiều mặt tại PMU 18, chẳng những tổ chức đảng, người đứng đầu PMU 18 phải chịu trách nhiệm mà cả lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và cấp ủy cấp trên trực tiếp của Đảng bộ PMU 18 cũng phải chịu trách nhiệm.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ghi rõ: "Cán bộ lãnh đạo chủ trì và cấp ủy cấp trên trực tiếp phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để tổ chức đảng yếu kém". Tổ chức đảng ở PMU 18 không phải chỉ là yếu kém mà thực chất đã bị tê liệt. Vì thế, cấp ủy cấp trên trực tiếp không thể không chịu trách nhiệm, còn trách nhiệm đến đâu, xử lý mức nào là tùy thuộc vào mức độ sai phạm.
Cũng xin nói thêm, Ban cán sự Đảng Bộ GTVT cũng phải chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm, sử dụng và quản lý cán bộ. Bùi Tiến Dũng ngay từ khi còn là Chánh văn phòng PMU 18 đã nhiều lần đánh nhau, gây rối trật tự công cộng (hai lần bị công an tạm giữ và xử phạt), vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, lối sống... nhưng vẫn được đề bạt làm tổng giám đốc.
Trong vụ việc tiêu cực tại PMU 18 liên quan đến nhiều bộ, ban, ngành, cán bộ cao cấp, xin đồng chí cho biết rõ quan điểm xử lý?
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ghi rõ: "Xử lý nghiêm minh theo pháp luật và kỷ luật Đảng đối với những người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, bất cứ người đó là ai, ở cương vị nào; xử lý cả những người bao che hành vi tham nhũng. Không dùng hình thức xử lý nội bộ, kỷ luật hành chính thay cho việc xử lý hình sự đối với người đã có đủ chứng cứ về hành vi phạm tội đến mức phải xử lý hình sự".
Báo cáo của Bộ Chính trị về "kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nhiệm kỳ Đại hội IX" trình Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX cũng nhấn mạnh: "Xử lý nghiêm minh đối với tổ chức và mọi cá nhân có sai phạm và bao che sai phạm, trù dập người có công phát hiện sai phạm, bất kể người đó đang giữ cương vị gì, kể cả đối với những người đương chức, thôi chức hoặc đã về hưu; không được lấy lý do bảo vệ uy tín của Đảng, Nhà nước và của cán bộ, đảng viên để né tránh việc xử lý theo đúng pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của Đảng, không để có bất cứ "vùng cấm" nào nằm ngoài kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước".
Trong vụ việc tiêu cực tại PMU 18 (Bộ GTVT) đang được Cơ quan điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra, nếu phát hiện tổ chức và cá nhân nào (cả cán bộ cao cấp) có sai phạm đều phải xử lý nghiêm theo tinh thần trên.
Thưa đồng chí, qua sự việc này có thể rút ra điều gì?
Đây là một bài học sâu sắc, không chỉ của cán bộ đảng viên ngành GTVT mà của tất cả chúng ta. Qua đó càng thấm thía việc "nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng" như một nội dung mà chủ đề Đại hội Đảng X đề ra.
Chúng ta cần bình tĩnh phanh phui đến cùng sự việc này. Những người dính líu hãy tự giác khai báo. Các cơ quan tư pháp hãy làm việc công minh chính xác, bóc cho hết đường dây tham nhũng này. Các cơ quan báo chí cần hỗ trợ tích cực nhưng cần thận trọng, đảm bảo thông tin chính xác, không gây hoài nghi. Xử lý nghiêm minh, triệt để ung nhọt này sẽ tạo thêm sức mạnh và niềm tin cho nhân dân.
Đây còn là một bài học sống trong công tác quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát, tự phê bình và phê bình trong Đảng, rèn luyện nhân cách và tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo TTXVN