1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Không có thiết bị giám sát hành trình, lái xe toàn… nói dối!”

(Dân trí) - “Không có thiết bị giám sát hành trình thì lái xe toàn nói dối, xe ở chỗ này nhưng lại báo là chỗ khác. Các vi phạm của lái xe khi tham gia giao thông cũng không được kiểm soát chặt chẽ, bằng chứng là đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do lái xe chạy quá tốc độ..”.

Đó là vấn đề được ông Tô Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng nêu ra trong Hội thảo chuyên đề về thiết bị giám sát hành trình trong quản lý vận tải và an toàn giao thông, tại Hà Nội sáng 9/10.

Với hơn 20 năm quản lý trực tiếp phương tiện vận tải và nhiều năm gắn bó với các doanh nghiệp trong Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng, ông Hiệp cho biết đã chứng kiến những khó khăn của các nhà quản lý đối với việc giám sát hành trình của phương tiện.

Quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được thực hiện từ năm 2012
Quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được thực hiện từ năm 2012

Theo ông Hiệp, khi không có thiết bị giám sát hành trình, nếu muốn biết phương tiện đang ở đâu thì nhà xe chỉ biết dựa vào thông tin từ lái xe và thường những thông tin này không chính xác, gây ra nhiều hệ lụy xấu trong khai thác hiệu quả phương tiện, mất uy tín đối với khách hàng và không chuẩn bị được các giải pháp khắc phục khi cần thiết.

“Không có thiết bị giám sát hành trình thì lái xe toàn nói dối, xe ở chỗ này nhưng lại báo là chỗ khác. Việc kiểm soát mức tiêu hao nhiên liệu trong thực tế rất khó khăn nên nhà xe thường phải khoán cho lái xe, giải pháp này rất thiếu tính khoa học, không hiệu quả. Ngoài ra, chuyện về tai nạn giao thông trên đường do lái xe chạy quá tốc độ, đậu đỗ tùy tiện cũng luôn là nỗi ám ảnh” - ông Hiệp cho hay.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng khẳng định, một trong những lợi ích của việc gắn thiết bị giám sát hành trình là tính khách quan của tín hiệu truyền từ thiết bị giám sát hành trình cho các cơ quan quản lý và nhà vận tải, giúp cho việc xác định lỗi của phương tiện khi vi phạm tốc độ, lấn làn, đậu đỗ sai quy định, lái xe chạy quá thời gian quy định mà không nghỉ ngơi dẫn tới thiếu sáng suốt, thiếu tập trung và mất bình tĩnh khi xử lý tình huống…

Hiệu quả thực tế sử dụng thiết bị giám sát hành trình đã thấy, nhưng vấn đề chế tạo thiết bị này tại Việt Nam cũng được các chuyên gia tham gia hội thảo này quan tâm, bởi thiết bị này ở Việt Nam được lắp đặt nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông nên được thiết kế với những đặc thù riêng.

 

Thiết bị giám sát hành trình giúp quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn các vi phạm của lái xe (ảnh: Quang Phong)
Thiết bị giám sát hành trình giúp quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn các vi phạm của lái xe (ảnh: Quang Phong)

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật điện tử, trường Đại học Giao thông vận tải - cho biết, trong thực tế vận hành, các tham số giám sát tốc độ của xe đặc biệt hiệu quả, góp phần giảm tai nạn giao thông. Các tính năng thống kê theo xe, theo địa phương mang lại cái nhìn tổng quan về việc quản lý phương tiện mang tính răn đe, nhắc nhở phòng ngừa tai nạn.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thanh Hải cho rằng, thiết bị giám sát hành trình ở Việt Nam đang có những hạn chế về kỹ thuật khi phải phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ của mạng viễn thông di động GMS, GPRS (không phải ở đâu mạng cũng thông suốt).

“Thiết bị giám sát hành trình tại Việt Nam chưa định danh được chính xác lái xe đang điều khiển phương tiện nên lái xe có thể dễ dàng sử dụng thẻ lái xe của người khác để tránh lỗi vi phạm về thời gian lái xe. Thiết bị cũng dễ dàng bị cắt nguồn điện khi chủ phương tiện hay lái xe không muốn bị theo dõi giám sát” - PGS.TS Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, kết quả thống kê đến hết ngày 30/9/2015 bình quân có 70,12% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống thông tin của Tổng cục này. Tình hình vi phạm tốc độ xe chạy ghi nhận mức độ nghiêm trọng trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố (tính trên 1.000km) là Phú Yên, Ninh Bình, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận, Hậu Giang, Quảng Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Quảng Trị.

Trong tháng 9/2015, đã có 373 xe bị xử lý vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, theo các hình thức: Thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn 1 tháng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015 đã xử lý 4.057 phương tiện và xử phạt vi phạm hành chính 499,85 triệu đồng.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm