1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Không có hình phạt thích đáng thì kẻ sàm sỡ nữ sinh không biết sợ”

(Dân trí) - “Đây là điều đáng suy nghĩ, bởi nếu không có mức xử phạt thích đáng dành cho thủ phạm (kẻ biến thái trong thang máy) thì chẳng những nạn nhân không muốn lên tiếng, mà cả thủ phạm cũng không biết sợ”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Uỷ viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội - đánh giá việc xử phạt hành chính 200 nghìn đồng “kẻ biến thái” trong thang máy ở chung cư cao cấp quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) cho thấy còn một khoảng trống pháp lý cần được nghiên cứu, điều chỉnh.

- Bà đánh giá thế nào về các hành vi sàm sỡ phụ nữ như vụ việc xảy ra trong thang máy chung cư cao cấp ở quận Thanh Xuân vừa qua và vụ cắn đứt môi nữ đồng nghiệp xảy ra ở Quảng Bình vào tháng 6 năm ngoái?

- Đây là những sự việc đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Mặc dù chỉ là 2 sự việc cụ thể, nhưng nó đang phản ánh những vấn đề xã hội rất đáng quan ngại.

Tôi nghĩ, vấn đề không chỉ là hành vi sàm sỡ phụ nữ, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm phụ nữ, mà nó còn để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng. Chẳng hạn như dấy lên tâm lý bất an cho mọi người, gây hoang mang trong dư luận. Rõ ràng, sau câu chuyện này, nhiều người phụ nữ sẽ rơi vào cảm giác không an toàn khi đi ra ngoài.

54522138_1914888155281791_7932013746203918336_n.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Uỷ viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội

- Cả hai vụ việc những người có hành vi sàm sỡ phụ nữ đều chỉ bị phạt 200 nghìn đồng khiến người bị hại và dư luận rất bức xúc. Cá nhân bà cảm thấy mức phạt hành chính như vậy đã thỏa đáng hay chưa?

- Tôi nghĩ, mức phạt 200 nghìn đồng cho hành vi sàm sỡ phụ nữ đúng là khó chấp nhận, và càng không thể gọi là thoả đáng khi mà dư luận đang phẫn nộ, đang dõi theo sự việc, đang chờ đợi sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.

Nhưng cũng phải công bằng mà nhìn nhận, phía các cơ quan công quyền có cái lý của họ, bởi muốn truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải có đủ căn cứ dựa trên kết quả điều tra, xác minh của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; còn xử phạt hành chính một công dân cũng không thể dựa trên cảm xúc, mà phải dựa trên chứng cứ và quy định của pháp luật. Mỗi hành vi đều ứng với từng mức phạt cụ thể, không vượt quy định được. Sự bất cập này làm cho dư luận xã hội đã bức xúc lại càng bức xúc hơn.

- Nhiều người cho rằng mức phạt này còn quá nhẹ, thiếu tính răn đe, dành cho những “kẻ biến thái” như vậy?

- Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định này. Cũng phải nói thêm rằng, đến nay thật sự chưa nhiều trường hợp bị các cơ quan chức năng xử phạt về hành vi sàm sỡ hay quấy rối tình dục; nguyên nhân chủ yếu là do nạn nhân ngại, không dám công khai tố cáo, do vậy số người dám lên tiếng tố cáo không nhiều.

Đây là điều đáng suy nghĩ, bởi nếu không có mức xử phạt thích đáng dành cho thủ phạm thì chẳng những nạn nhân không muốn lên tiếng, mà cả thủ phạm cũng không biết sợ.

Tất nhiên, trong những ngày qua, người có hành vi sàm sỡ cũng đã chịu hình phạt khác còn lớn hơn, đó là sự chỉ trích của dư luận, sự lên án của xã hội. Nhưng về phía pháp luật, nếu chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính với vài trăm nghìn đồng sẽ khó có tính răn đe đối với đối tượng vi phạm.

Rõ ràng là chỉ khi áp dụng các quy định xử phạt vào tình huống cụ thể, mới phát hiện ra những điểm bất hợp lý, khó chấp nhận. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cần xem lại những hình thức xử lý, mức xử lý đối với các hành vi nói trên. Chính vì vậy tôi cho rằng phải xử lý nghiêm hành vi sàm sỡ này.

bienthai-1552711256441.jpg
Đối tượng H. có thái độ nhởn nhơ trong buổi làm việc với nạn nhân.

- Đối tượng Đỗ Mạnh H. sàm sỡ thiếu nữ trong thang máy chỉ bị xử phạt 200 nghìn đồng về hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”. Để vụ việc được xử lý nghiêm khắc hơn, theo bà lực lượng công an quận Thanh Xuân có cần xác định lại hành vi của đối tượng Đỗ Mạnh H. hay không?

- Rất khó để kết luận ngay việc lực lượng công an quận Thanh Xuân có cần xác định lại hành vi của đối tượng Đỗ Mạnh H. hay không. Nếu quá trình điều tra, xem xét bỏ lọt chứng cứ thì rõ ràng cần phải làm lại; còn đã đủ chứng cứ rồi, không có thêm tình tiết mới thì không nhất thiết. Tôi cho rằng vấn đề dư luận đòi hỏi là việc xử lý cần sự công khai, minh bạch, đúng người đúng tội.

Mặt khác, đúng là vẫn còn nhiều băn khoăn về việc đối tượng H. bị xử phạt hành chính đúng hay sai. Thực tế, có một số người coi hành vi của người đàn ông này chính là quấy rối tình dục, nhưng hiện nay lại không có quy định về tội danh này; tất cả những hành vi sàm sỡ, quấy rối đều xử chung theo điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, việc xử phạt hành chính là đúng quy định hiện hành nhưng mức phạt còn quá nhẹ, quá bất cập, không thể đủ sắc răn đe các đối tượng biến thái. 

- Nếu những bất cập trong quy định của luật pháp hiện nay dẫn đến việc không xử lý nghiêm được hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm phụ nữ như hai trường hợp kể trên, theo bà chúng ta có nên sửa luật theo hướng nghiêm khắc hơn, để mang tính răn đe hay không?

- Rõ ràng qua câu chuyện trên cho thấy còn một khoảng trống pháp lý cần được nghiên cứu, điều chỉnh. Theo đó, cần phải xử lý nghiêm minh với các đối tượng có hành vi vi phạm, mức xử phạt phải đủ sức răn đe, nặng gấp nhiều lần so với mức phạt hiện nay. Chỉ có vậy mới có thể bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng cho nạn nhân, và cũng ngăn chặn tình trạng sàm sỡ này tiếp diễn.

- Xin cảm ơn bà!

Quang Phong(thực hiện)