1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Phải có biện pháp để đối tượng sàm sỡ nữ sinh thấy đó là nỗi nhục!”

(Dân trí) - “Mức phạt hành chính chỉ vài trăm nghìn đồng cho những đối tượng như vậy thì không ngăn chặn, răn đe được. Chúng ta phải có biện pháp để cậu ta thấy hành vi đó là nỗi nhục”, ông Phan Viết Lượng - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội nói về vụ người đàn ông sàm sỡ cô gái trong thang máy.

Trao đổi với phóng viên Dân trí ông Phan Viết Lượng - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đánh giá hành vi của “kẻ biến thái” trong thang máy khu chung cư cao cấp ở quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) là không thể chấp nhận được.

- Công an quận Thanh Xuân (CATP Hà Nội) vừa xử phạt hành chính “kẻ biến thái” sàm sỡ phụ nữ trong thang máy… 200 nghìn đồng. Ông đánh giá thế nào về mức "xử" này?

- Theo tôi mức phạt hành chính 200 hay 400 nghìn đồng như vậy không nói lên được điều gì. Bởi mức phạt như vậy chưa làm cho cậu ta ân hận, sám hối. Vấn đề ở đây là phải có biện pháp khác mạnh mẽ đủ sức răn đe, giáo dục, để anh ta thức tỉnh, nhận ra được hành vi sai trái của mình.

“Phải có biện pháp để đối tượng sàm sỡ nữ sinh thấy đó là nỗi nhục!” - 1
Hành động sàm sỡ của đối tượng H. với chị V. trong thang máy.

- Mức phạt 200 nghìn đồng trong sự việc khiến cho nhiều người lo ngại hành vi tương tự như vậy sẽ tiếp diễn ngoài xã hội vì pháp luật chưa nghiêm, thưa ông?

- Đúng là mức phạt hành chính chỉ vài trăm nghìn đồng cho những đối tượng như vậy thì không ngăn chặn, răn đe được. Do vậy, chúng ta phải có biện pháp để cậu ta thấy hành vi đó là nỗi nhục và cảm thấy hổ thẹn.

- Theo ông, pháp luật nên xử lý “kẻ biến thái” đó như thế nào cho phù hợp?

- Hiện nay xử phạt hành chính hay xử lý hình sự thì đều có khung quy định rồi. Nhưng theo tôi nghĩ, phía cơ quan điều tra, cơ quan quản lý nhà nước phải tìm hiểu cặn kẽ để xác định rõ hành vi vi phạm của cậu ta. Từ đó có kết luận rõ ràng, người bị hại bị sàm sỡ đến mức độ nào.

Qua vụ việc tôi thấy đây không chỉ đơn giản chỉ là một cái hôn thoảng qua. Do vậy, cơ quan công an cần phải vào cuộc để làm rõ ràng hơn, từ đó có kết luận người bị hại đến mức độ nào.

-“Kẻ biến thái” chỉ bị xử lý hành chính, khiến người phụ nữ bị sàm sỡ trong thang máy lo ngại không được pháp luật bảo vệ và dư luận cũng rất bức xúc?

- Đúng vậy! Theo tôi mức phạt ấy quá nhẹ, không tương xứng với hành vi của cậu ta. Qua việc xử lý của cơ quan chức năng cũng không đáp ứng được nguyện vọng của nhiều người.

“Phải có biện pháp để đối tượng sàm sỡ nữ sinh thấy đó là nỗi nhục!” - 2
Đối tượng H. có thái độ nhởn nhơ trong buổi làm việc với nạn nhân.

- Thực tế quá trình xử lý vụ việc cho thấy “kẻ biến thái” trong thang máy không nghiêm túc nhận ra hành vi sai trái của mình. Điều đó thể hiện qua việc nhiều lần thất hẹn xin lỗi chị Phan H.V.?

- Việc chị Phan H.V. bức xúc và lo ngại pháp luật chưa nghiêm, chưa bảo vệ được mình là hoàn toàn chính đáng. Ban đầu chị V. cũng chấp nhận cho Đỗ Mạnh H. xin gặp để xin lỗi. Thế nhưng thái độ, hành vi sửa sai của H. sau này đã gây bức xúc cho dư luận, đặc biệt là người bị hại.

- Nếu vụ việc này không được xử lý nghiêm sẽ gây hậu quả thế nào cho xã hội, thưa ông?

- Vụ việc ít nhiều tác động tiêu cực đến xã hội. Do vậy, nếu không có biện pháp mạnh tay sẽ không răn đe, giáo dục được người khác. Điều đó cũng thể hiện một phần nhất định trong việc bất lực của cơ quan quản lý nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)