Không có chuyện bão Chanchu "đột ngột đổi hướng"
Những ngày qua, dư luận đã đặt rất nhiều câu hỏi về công tác dự báo đường đi bão Chanchu, do Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương thực hiện. Tại sao việc dự báo của Việt Nam lại có nhiều khác biệt so với các đài khu vực khác như Philippines, Hawaii, Hong Kong, hải quân Mỹ...?
Sự khác biệt đó thể hiện ở bản đồ dự báo hướng đi bão Chanchu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn VN và của Đài Khí tượng Hong Kong.
|
|
|
Bản tin vào lúc 3h30 ngày 15/5 (tức là gần 2 ngày so với các đài khác) của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn VN vẫn đưa ra một dự báo: “Tâm bão cách bờ biển Quảng Ngãi - Phú Yên 690km về phía đông. Dự báo trong 24 giờ tới, bão sẽ di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc”. Và theo bản đồ dự báo đường đi cơn bão Chanchu của trung tâm, bão sẽ hướng thẳng vào đảo Hải Nam. |
|
Trong bản tin phát lúc 9h30 ngày 15/5, đã có sự “đột ngột thay đổi” trong dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn VN. Đối chiếu bản đồ dự báo đường đi của bão do trung tâm phát lúc 3h30 và 9h30, chúng ta có thể thấy rõ sự thay đổi đó là rất đáng kinh ngạc. Thật hiếm thấy dự báo lộ trình bão nào lại được “bẻ cua đột ngột” như thế. |
Là những người theo dõi sát sao và xử lý thông tin về cơn bão Chanchu, chúng tôi có thể khẳng định là hoàn toàn không có chuyện cơn bão này “đột ngột chuyển hướng”, mà sự chuyển hướng đó đã được dự báo rõ ràng từ sớm của các đài khí tượng khu vực.
Đối với câu hỏi đáng kinh ngạc về sự khác biệt giữa dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương và các đài khí tượng khu vực khác, chúng tôi xin không đưa ra kết luận gì. Việc đó là của các nhà khoa học, của ngành khí tượng thủy văn và phòng chống lụt bão. Nhưng kiểu dự báo bão “chắc ăn” chỉ trong 24 giờ tới cần phải xem xét lại ngay, vì nó đã và sẽ dẫn tới những tình huống nguy hiểm chết người.
Và chúng tôi muốn nói thêm rằng: 10 năm trước, sau cái chết của hàng trăm ngư dân Hậu Lộc (Thanh Hóa), chúng ta đã học được những bài học đau đớn về dự báo thời tiết và cứu nạn trên biển. Còn bây giờ, tức 10 năm sau, chúng ta lại sẽ học được bài học gì, và quan trọng hơn, sẽ làm gì, làm gì để “thảm họa Chanchu” không quay trở lại nữa!
Theo Bùi Thanh
Tuổi Trẻ