1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Không “cấm” hôn nhân đồng giới - sự thay đổi thái độ của nhà nước”

(Dân trí) - “Không cấm nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân đồng giới, đúng là bản chất pháp lý không thay đổi. Tuy nhiên, đổi một từ “cấm” sang “không thừa nhận” đã là sự thay đổi thái độ của nhà nước” - Vụ trưởng vụ pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp nói.

Tại cuộc họp báo tổng kết công tác quý II/2013 của Bộ Tư pháp, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế phân tích nhiều điểm mới trong dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Hôn nhân - Gia đình năm 2000 liên quan đến quy định về chế độ hôn nhân, quan điểm về hôn nhân đồng giới.

Ông Huệ cho biết, theo kế hoạch, dự thảo luật sẽ được đưa ra thảo luận lần đầu tại Quốc hội trong kỳ họp thứ 6, diễn ra cuối năm nay và được thông qua tại kỳ họp đầu năm 2014.
“Không “cấm” hôn nhân đồng giới - sự thay đổi thái độ của nhà nước”
Nhiều vấn đề liên quan đến việc sửa luật Hôn nhân-Gia đình được đặt ra tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp.

Về nội dung, Bộ Tư pháp đề xuất bãi bỏ quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính (được quy định tại khoản 5, Điều 10). Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cũng giải thích, kế thừa quy định về kết hôn được hiểu là “việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn” (khoản 2, Điều 8), Nhà nước không thừa nhận việc kết hôn giữa những người cùng giới tính. Dù vậy, quy định việc giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa người cúng giới tính thì được áp dụng các quy định về giải quyết hậu quả việc nam nữ chung sống như vợ chồng.

“Không cấm mà cũng không thừa nhận hôn nhân đồng giới thì đúng là bản chất pháp lý không thay đổi. Tuy nhiên, chỉ đổi một từ “cấm” sang “không thừa nhận” cũng đã đưa lại nhiều hệ quả khác biệt, là sự thay đổi thái độ của nhà nước đối với vấn đế” – ông Huệ khẳng định.

Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế phân tích, quan điểm “cấm tiệt” hôn nhân đồng giới chủ yếu nằm ở nhóm nước kém văn minh. Tuy nhiên, trong số hơn 200 nước trên thế giới, hiện cũng mới chỉ có 11 quốc gia thừa nhận hôn nhân đồng giới (chưa có nước nào ở châu Á thừa nhận). Mới đây nhất, Pháp thông qua đạo luật công nhận hôn nhân đồng giới, sau hàng chục năm cân nhắc về vấn đề này.

Việc bãi bỏ quy định “cấm” hôn nhân đồng giới lần này, ông Huệ nhấn mạnh, mục đích là để có biện pháp chống kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng người đồng tính; có giải pháp pháp lý xử lý hậu quả khi cuộc sống chung của họ tan vỡ. “Xử lý vấn đề này phải căn cứ vào tình hình Việt Nam và phải có lộ trình dần dần” - ông Huệ chốt lại.
 

Tại cuộc họp báo, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, các bộ, ngành, địa phương (bao gồm cả cấp tỉnh và cấp huyện) đã kiểm tra 251.900 văn bản, phát hiện 9.960 văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp theo quy định. Đặc biệt, trong số đó có 528 văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung và thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, tình hình xử lý văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp đã có chuyển biến, một số cơ quan ban hành văn bản đã chủ độngphối hợp xử lý kịp thời, nhất là những quy định gây bức xúc trong xã hội như quy định xử phạt mũ bảo hiểm không đạt chất lượng; quy định không được phát tán thông tin cho người khá dưới bất kỳ hình thức nào trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, quy định đối tượng ưu tiên tuyển sinh đại học…

P.Thảo