“Công nhận hôn nhân đồng giới, xã hội không mất gì”
(Dân trí) - “Công nhận quyền của nhóm người đồng tính, song tính, chuyển giới, xã hội không mất gì mà chỉ được - được cho cả nhóm dân cư này và cho lợi ích chung của xã hội” - nguyên ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết phát biểu.
Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết là một đại biểu tham gia hội thảo “Người đồng tính, song tính và chuyển giới - Quy định pháp luật và quan điểm của cộng đồng” - một hoạt động đối thoại với các đại biểu Quốc hội do Viện nghiên cứu lập pháp và Viện nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường (iSEE) tổ chức sáng nay, 10/5.
Viện trưởng Lê Quang Bình nêu vấn đề, đây là thời điểm thích hợp để bàn tới quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT). Việc xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước thảo luận về vấn đề công nhận hay không hôn nhân đồng giới trong thời gian qua là một bước tiến dài mà nhiều bạn bè quốc tế rất bất ngờ, ghi nhận Việt Nam là nước tiên phong trong khu vực bảo vệ quyền lợi của nhóm dân cư này.
“Đã đến lúc cần nhìn nhận thực tế này vì chính những người thân của mình. LGBT có trong mọi gia đình, cơ quan, công sở… Họ có thể là bất cứ ai, là bạn bè, đồng nghiệp, người thân của chúng ta” - ông Bình nói.
Một đại diện đến từ cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới - anh Trần Khắc Tùng chia sẻ câu chuyện của bản thân. Anh Tùng và bạn đời (tên Vĩnh) gắn kết đã 12 năm. Anh Tùng là Giám đốc Trung tâm ICS (tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT tại Việt Nam) còn bạn đời là một doanh nhân rất thành công (trong và ngoài nước) trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất.
“Chúng tôi là cán bộ nhà nước, là bộ đội, công an, giáo viên, phục vụ bàn… là tất cả những người quý vị gặp gỡ, tiếp xúc hàng ngày, và ở vị trí nào cũng đang có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho kinh tế xã hội đất nước” – anh Tùng dẫn chứng, ở bất cứ xã hội, môi trường nào, tỷ lệ người đồng tính luôn chiếm khoảng 3-5% dân số, người chuyển giới khoảng 1-2% dân số.
Dù ghi nhận đã có rất nhiều chuyển biến trong quan điểm về cộng đồng LGBT trong một vài năm qua, khiến người đồng tính không phải cố gắng che giấu bản thân, tự tin bộc lộ mình hơn, anh Tùng vẫn chua xót với thực tế, có rất nhiều nước mắt đã rơi và sẽ còn tiếp tục rơi, còn nhiều bi kịch trong các gia đình với mỗi sự thật về một người thân công khai giới tính thật của mình.
Anh Tùng cho rằng, cuộc đối thoại với các vị đại biểu Quốc hội – đại diện cơ quan lập pháp của nhà nước, là cơ hội cho hơn 1,6 triệu người LGBT ở Việt Nam và gia đình của họ để được sống công khai, là chính mình, không phải che đậy, giấu diếm…
Anh Tùng phân tích thêm: “Với câu hỏi bạn mong muốn gì trong 10 năm tới, hầu hết những người đồng tính đều trả lời mong không còn bị kỳ thị, được sinh sống, kết hôn, xây dựng gia đình với người mình muốn. Ước muốn đó có gì cao sang, xa vời hay đều là những nhu cầu rất cơ bản, rất con người?”.
Hôn nhân đồng giới - nguy cơ lệch lạc với trẻ nhỏ?
Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết tán thành với nhận định, nhóm người đồng tính là một hiện thực trong xã hội, ở tất cả các quốc gia trên thế giới, vì chiếm tỷ lệ nhỏ nên trước đây chưa được nhận ra, chú ý.
Phân tích thực tế, vị đại biểu Quốc hội rất “được lòng” dư luận cho rằng, ở Việt Nam, lực cản lớn nhất là về tình cảm, tâm lý chứ chưa phải vấn đề quy định pháp luật. Việt Nam là xã hội “hơi cổ”, khép kín nên định kiến rất lớn. Ngay chuyện làm mẹ đơn thân, kết hôn với người nước ngoài gần đây mới được đón nhận cởi mở hơn. Nhưng cũng từ đó, ông Thuyết nhận định, mọi vấn đề, quan điểm đều có thể thay đổi.
Đại biểu đặt giả thiết, pháp luật có thừa nhận sự tồn tại của người đồng tính và cuộc sống của họ hay không thì họ vẫn đến với nhau. Vậy pháp luật có công nhận vấn đề này mới giải quyết được các hệ quả phát sinh như tranh chấp tài sản, quyền nuôi con, trách nhiệm với bố mẹ 2 bên… Có công khai hóa mới chống được một số hiện tượng phát sinh như trẻ em bị lạm dụng, xâm hại, bố mẹ vô tình bạo hành con…
Ông Thuyết lập luận: “Công nhận quyền của nhóm dân cư này, xã hội không mất gì cả mà chỉ “được” - được cho cả nhóm dân cư này và lợi ích chung của xã hội. Việc này cũng phải dần dần đưa vào Hiến pháp đồng thời phải xem xét lại đồng loạt các luật khác như Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân – gia đình, Bộ luật Dân sự…”.
Ông Thuyết cũng bày tỏ một số băn khoăn về kết quả nghiên cứu ở những nước đã công nhận hôn nhân đồng giới, có làm suy giảm dân số, làm thay đổi giá trị hôn nhân truyền thống, có làm tăng tỷ lệ ly hôn, ảnh hưởng tới tỷ lệ tội phạm vị thành niên, ảnh hưởng tới việc nuôi dạy, chăm sóc trẻ em trong gia đình…
TS. Nguyễn Thu Nam (Viện chiến lược và chính sách y tế) cho biết, ở nhiều nước công nhận hôn nhân đồng giới, tỷ lệ kết hôn có tăng lên trong một vài năm đầu áp dụng quy định nhưng sau đó đã trở lại bình thường. Tỷ lệ ly hôn cũng ổn định. Ở Đan Mạch – nước đầu tiên công nhận hôn nhân đồng giới, tỷ lệ ly hôn trong năm 1999-2000 thậm chí còn giảm đôi chút. Tỷ lệ ly hôn trong những cuộc hôn nhân đồng giới cùng không khác nhiều hôn nhân dị tính.
Với lo ngại về khả năng hôn nhân đồng giới có thể làm xói mòn các giá trị gia đình truyền thống, bà Nam cho rằng, các con số thống kê giữa các nước thừa nhận và không thừa nhận liên quan đến nội dung khảo sát này không khác biệt. Thậm chí, việc thừa nhận hôn nhân đồng giới mang lại hình ảnh thuyết phục về sự bình đẳng, tôn trọng quyền cá nhân, quyền con người – một nền tảng tốt cho gia đình truyền thống.
“Cũng không có bằng chứng để cảnh báo bất kỳ nguy cơ nào đối với sự phát triển của trẻ em khi được nuôi dưỡng trong các gia đình đồng tính. Tỷ lệ trẻ trong gia đình bố mẹ đổ vỡ hoặc đơn thân phát triển kém về thể chất, tinh thần còn cao hơn trong các gia đình đồng tính” – TS. Thu Nam nói.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga chung nhận định vấn đề quyền và lợi ích hợp pháp của những người đồng tính liên quan đến nhiều văn bản luật mà Quốc hội sẽ bàn bạc, cho ý kiến trong thời gian rất gần. Xác định đây là một thực tế, bà Nga cũng tán thành quan điểm nhà nước cần có điều chỉnh cho hợp lý.
Tuy nhiên, bà Nga cũng cảnh báo, nếu đưa vấn đề ra Quốc hội thời điểm này sẽ gây tranh luận rất lớn.
P.Thảo