1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hoá:

Khốn khổ vì bị gần chục lò gạch "hun khói"

(Dân trí) - Sống chung với khói bụi, ô nhiễm, mùa màng thất bát, là tình cảnh những hộ dân bị ảnh hưởng bởi gần chục lò gạch thủ công ngày đêm nhả khói ở xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Chính quyền vì “thương miếng cơm manh áo” của dân mà... “bó tay”.

Nỗi khổ biết kêu ai!

Mặc dù thời gian “tối hậu thư” được đưa ra tại Quyết định 115/2001/QĐ-TTg của TTg Chính phủ về xóa bỏ lò gạch thủ công đã qua hơn năm, nhưng cho đến thời điểm này tại thôn Đại Sơn, xã Minh Sơn, vẫn có tới gần chục lò gạch thủ công vẫn ngày đêm nhả khói “thiêu đốt” cả một vùng quê. 

Những lò gạch vẫn ngày ngày hoạt động mà không có cơ quan chức năng nào đứng ra xử lý?
Những lò gạch vẫn ngày ngày hoạt động mà không có cơ quan chức năng nào đứng ra xử lý?

Không những thế, lò gạch đóng trên địa bàn thôn Đại Sơn nằm giáp ranh với thôn 9, xã Hợp Thắng nên hầu hết các hộ dân của xã này chịu ảnh hưởng của ô nhiễm lò gạch. Toàn thôn có khoảng 17 ha lúa thường xuyên bị mất mùa do lò gạch. Năm 2011, đã có 3ha lúa của các hộ gia đình thuộc xã Hợp Thắng không thu hoạch được vì ảnh hưởng của lò gạch thủ công.

Ông Trịnh Trọng Trường, thôn 9, xã Hợp Thắng, bức xúc cho biết: “Đã nhiều năm nay, người dân chúng tôi không có ngày nào được sống trong bầu không khí trong lành. Hàng chục lò gạch trên cứ thi nhau nhả khói, họ đốt gạch quanh năm, cả những lúc lúa đang trong thời kỳ làm đòng, khiến cho mùa màng thường xuyên thất bát, môi trường bị ô nhiễm. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến phản ánh lên xã, họ có cho người về kiểm tra, dừng được mấy hôm rồi đâu lại vào đó. Những hộ sống ở xa còn đỡ chứ sống ở gần như gia đình tôi khó chịu lắm. Có nhiều hôm nóng nực, trời không có gió lại đúng lúc họ vào lò thì cả xóm tha hồ mà lãnh đủ".

Những lò gạch thủ công này chỉ nằm cách UBND huyện Triệu Sơn khoảng 500 m.
Những lò gạch thủ công này chỉ nằm cách UBND huyện Triệu Sơn khoảng 500 m.

“Những lò gạch thủ công này có từ những năm 1990, trước đây họ đốt nhỏ lẻ, mấy tháng mới đốt một lò. Mấy năm gần đây họ đốt lò, vào lò vô tội vạ khiến cho cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn. Toàn thôn có 148 hộ, 620 nhân khẩu, thì có khoảng 40 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp về mùa màng. Chúng tôi đã có kiến nghị, nhưng cũng không thay đổi được gì”, ông Trịnh Hữu Tăng, trưởng thôn 9 thở dài.

Điều đáng nói là gần chục lò gạch ngày đêm nhả khói nhiều năm nay trên địa bàn xã Minh Sơn nằm cách UBND huyện Triệu Sơn không đầy 500m, thế nhưng vẫn “ung dung” tồn tại như không có chuyện gì xảy ra.

Không thực hiện Quyết định của Thủ tướng?

Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Công Sỹ - Chủ tịch UBND xã Minh Sơn - phân trần: “Chúng tôi cũng đã nhiều lần lập biên bản phạt các chủ lò gạch, yêu cầu chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, thực sự mà nói, người dân ở đây lam lũ, đất canh tác không có, chỉ có một ít đất bãi bồi ven sông chỉ làm được mấy tháng mùa khô còn mùa mưa nước lụt lên không làm được nên dân rất khổ. Những lò gạch này đã tạo công ăn việc làm, miếng cơm manh áo cho người dân nên chúng tôi cũng chưa thể làm quyết liệt và triệt để”.

Hàng chục ha lúa nằm cạnh các lò gạch thường xuyên mất mùa.
Hàng chục ha lúa nằm cạnh các lò gạch thường xuyên mất mùa.

Còn ông Lê Đình Hóa - Trưởng phòng TN&MT Triệu Sơn bao biện: “Hiện trên địa bàn huyện còn bao nhiêu lò gạch chúng tôi cũng không rõ lắm, bởi việc kiểm tra giám sát sản xuất gạch lại do phòng Công thương quản lý, muốn có số liệu cụ thể các anh phải sang bên đó”.

Khi PV tìm sang Phòng Công thương huyện Triệu Sơn, thì được ông Trần Văn Đào - Trưởng phòng than thở: “Chủ trương là đúng, nhưng trên thức tế muốn xóa bỏ là rất khó khăn. Hàng trăm lao động sẽ sống như thế nào khi lo gạch bị dẹp bỏ, rồi số tiền hàng trăm triệu đồng chủ lò bỏ ra để nâng cấp, sửa chữa lò nữa! Nếu nhà nước không có chính sách hỗ trợ là rất khó”.

Thế nhưng khi được hỏi phòng đã có báo cáo về số lượng lò gạch đang còn tồn tại và hướng giải quyết như thế nào, thì ông Nguyễn Ngọc Thủy, Phó Phòng Công thương nói: “Chưa có, vì phòng còn bận nhiều việc khác quan trọng hơn nên chưa đi làm được (?!)”.

Về vấn đề này, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cũng đã có Công văn số 2199/STNMT-BVMT, ngày 21/9/2011 về việc yêu cầu dừng hoạt động đối với các lò gạch thủ công. Trong Công văn nêu rõ: "Đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát, thống kê và yêu cầu các tổ chức, cá nhân dừng hoạt động sản xuất gạch bằng lò thủ công trên địa bàn; có phương án để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi mục đích sản xuất, ổn định đời sống và sinh hoạt cho nhân dân. Báo cáo kết quả về Sở trước ngày 15/10/2011".

Ông Trịnh Công Sỹ - Chủ tịch UBND xã Minh Sơn.
Ông Trịnh Công Sỹ - Chủ tịch UBND xã Minh Sơn.

Thế nhưng đến nay trên địa bàn huyện còn bao nhiêu lò gạch, đã có bao nhiêu xã báo cáo lên thì cả Phòng TN&MT lẫn Phòng Công thương đều không nắm rõ? Phải chăng việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các phòng ban chính là “cơ sở” để gần chục lò gạch ngang nhiên hoạt động công khai ngay gần UBND huyện?

Trong Quyết định 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có đề cập đến việc tổ chức lại sản xuất kinh doanh vật liệu xây thủ công ở các địa phương, nhằm giảm tối đa việc sử dụng đất canh tác và xây dựng các lò gạch thủ công không theo quy hoạch gây ô nhiễm tại các vùng ven đô thị, thành phố, thị xã, thị trấn. Từng bước phát triển sản phẩm gạch không nung ở những vùng không có nguyên liệu nung, tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công ở ven các đô thị trước năm 2005 và các khu vực khác trước năm 2010.

Quyết định của Thủ tướng nêu rõ việc xóa bỏ sản xuất gạch đất sét bằng lò thủ công ở ven các đô thị phải thực hiện xong trước năm 2005, còn các khu vực khác là trước năm 2010. Phải chăng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng huyện Triệu Sơn “phớt lờ” lệnh của Thủ tướng Chính phủ?

Nguyễn Thùy