1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khơi dậy nguồn chất xám của Việt kiều

Lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam ở trong nước và nước ngoài sẽ cùng thảo luận các chính sách dành cho trí thức Việt kiều về xây dựng đất nước và nghiên cứu khoa học. Hội thảo được tổ chức vào ngày 16/8, tại Hà Nội.

Phó chủ nhiệm ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Trần Công Hoan cho biết, tham dự hội thảo lần này sẽ có khoảng 200 nhà khoa học thuộc mọi lĩnh vực, trong đó có 65 trí thức Việt kiều đến từ 17 nước.

 

Các đại biểu sẽ cùng thảo luận về tiềm năng trí thức Việt Nam ở nước ngoài, từ đó đề xuất những kiến nghị về chính sách, cơ chế tổ chức để tạo điều kiện cho các trí thức Việt kiều về nước hoạt động. Hội thảo sẽ là dịp để các trí thức trong và ngoài nước gặp gỡ và giao lưu, từ đó sẽ tăng cường và mở rộng hợp tác giữa trong các lĩnh vực khoa học. Những cuộc thảo luận cũng giúp các nhà khoa học định hướng các ngành nghề mũi nhọn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Trong số gần 3 triệu người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, có khoảng 300 nghìn người được đào tạo trình độ đại học và công nhân kỹ thuật bậc cao có kiến thức về văn hóa khoa học và công nghệ về quản lý kinh tế. Trong đó có nhiều người đạt được vị trí quan trọng ở các viện nghiên cưu, đại học, bệnh viện, công ty kinh doanh của các nước và các tổ chức kinh tế. Các trí thức gốc Việt tập trung nhiều ở Bắc Mỹ, tây Âu và châu Đại Dương. Tại Mỹ, đội ngũ trí thức người Việt khá đông đảo với khoảng 150 nghìn người có bằng đại học và trên đại học. Tại Pháp có khỏang 40 nghìn người, trong đó 40 người có học hàm cao và giữ vị trí quan trọng trong các lĩnh vực khoa học.

 

Theo ông Nguyễn Phú Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, mặc dù sinh sống và làm việc ở các nước có trình độ phát triển cao, được nước sở tại trọng dụng, nhưng đại bộ phận trí thức kiều bào vẫn nặng lòng nghĩ tới quê hương, hướng về đất nước. Nhiều trí thức đã làm cầu nối để giúp đất nước tiếp thu công nghệ tiên tiến, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại. Hằng năm có khoảng trên 200 lượt trí thức kiều bào từ các nước phát triển được mời về làm việc với các bộ ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu khoa học hoặc cơ sở sản xuất chế biến. Một số người được mời làm tư vấn cho Thủ tướng.

 

Thứ trưởng Bình cho rằng, với số lượng đông đảo cư trú tại hầu khắp các nước có trình độ về khoa học, công nghệ và kinh tế, được đào luyện trong môi trường phát triển, cạnh tranh, trí thức kiều bào là tiềm năng, vốn quý của đất nước. Nếu huy động tốt, nguồn lực này sẽ có thể giúp đất nước nhanh chong trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Theo Trịnh Vũ

VnExpress