1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khởi công xây cầu KonBrai trên QL 24

(Dân trí) - Sáng ngày 29-12, tại xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, Ban Quản lý dự án 85, Tổng công ty đường bộ Việt Nam đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng cầu KonBrai và xử lý sụt trượt đoạn km 135-km137 thuộc dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 24.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24 nối từ tỉnh Quảng Ngãi đến tỉnh Kon Tum được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư từ tháng 5-2009 bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, với tổng mức đầu tư  3.235 tỷ đồng, do Tổng Cục đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, Ban QLDA 85 được giao làm đơn vị quản lý thực hiện dự án.
 
Gói thầu xây dựng cầu KonBrai, xây dựng đường dẫn hai đầu cầu và xử lý sụt trượt từ km 135 đến km 137 ( trên địa bàn tỉnh Kon Tum) thuộc gói thầu số 4 và số 5 của dự án có tổng mức đầu tư 235 tỷ đồng. Cầu KonBrai bắc qua sông Đắk S'Nghé được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực với chiều rộng cầu và đường là 19 mét; xử lý lún sụt đoạn sạt lở bằng việc xây dựng mới 02km theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi.

Khởi công xây cầu KonBrai trên QL 24 - 1

Thời gian thi công cả hai gói thầu được các đơn vị thi công cam kết là 16 tháng (vượt tiến độ 2 tháng so với hợp đồng).
 
Quốc lộ 24 đi qua địa phận hai  tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum là tuyến giao thông quan trọng nối liền Tây Nguyên - Nam Trung Bộ và ra biển Đông. Hiện tại tuyến đường có mặt đường hẹp, nhiều đoạn đường tiêu chuẩn kỹ thuật thấp và đang xuống cấp, giao thông trên tuyến gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy được hiệu quả khai thác. Đặc biệt, trong mùa mưa bão 2009 tuyến đường đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Cầu KonBrai và đoạn km 135đến km 137 bị bão số 9 năm 2009 đánh sập và sạt lở nghiêm trọng làm chia cắt hoàn toàn tuyến đường đã được Bộ Giao thông Vận tải cho bắc cầu tạm.
 
Việc đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp tuyến đường góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại trong khu vực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum và các vùng phụ cận, tham gia vào sự phát triển và hội nhập kinh tế của vùng, tăng cường quan hệ giao lưu kinh tế, chính trị giữa Việt Nam và các nước trong hành lang kinh tế Đông Tây.
 

Đại Hòa