1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Khởi công cây cầu lớn nhất, đẹp nhất TPHCM

Cầu Phú Mỹ, dài hơn 2000 mét, chính thức được khởi công xây dựng hôm nay, 9/9. Đây là cây cầu nối liền trục giao thông vành đai phía đông thành phố, từ quận 7 sang quận 2 và quận 9, góp phần phát triển các vùng đô thị mới trong tương lai gần.

Cầu Phú Mỹ dài 2.031m (chưa kể đường lên xuống cầu phía quận 7 và quận 2), trong đó nhịp chính 705m là cầu dây văng rộng 27,5m với tĩnh không thông thuyền 45m, khổ thông thuyền là 250m. 

 

Sau khi hoàn thành, khả năng thông xe của cầu có thể đạt khoảng 100.000 lượt/ngày đêm. Vẻ đẹp của cầu được tạo nên bởi 2 trụ tháp hình chữ H, cùng với mạng dây văng và hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí ban đêm.

 

Ông Mạc Đăng Nớp, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (chủ đầu tư) cho biết, trụ tháp có hình dáng tương tự như cầu Mỹ Thuận trên sông Tiền, nhưng có cải tiến. Chữ H của trụ tháp tượng trưng cho tên TP, đồng thời tạo bề rộng mặt cầu cho việc lưu thông. Trụ tháp cầu Phú Mỹ cao đến 162,5m, cao hơn trụ tháp cầu Mỹ Thuận (do tĩnh không thông thuyền cầu Phú Mỹ cao hơn cầu Mỹ Thuận).

 

Vị trí xây dựng phía quận 7, cầu Phú Mỹ nằm cạnh cảng Rau Quả (thuộc P.Tân Thuận Đông và P.Phú Thuận), nối với trục đường Nguyễn Văn Quỳ. Từ đây, sẽ có một công trình cầu cạn (đường trên cao) theo trục đường Nguyễn Văn Quỳ, vượt qua giao lộ Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Quỳ - Nguyễn Thị Thập, rồi nối vào đại lộ Nguyễn Văn Linh (đoạn gần khu chế xuất Tân Thuận).

 

Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ là liên doanh đầu tư của 5 đơn vị, bao gồm: Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (HACC), Công ty Đầu tư và Phát triển xây dựng (INVESCO), Công ty cổ phần Bê tông 620 Châu Thới, Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng TP.HCM (CII), Công ty Xây dựng và Thương mại Thanh Danh (Tdco).

Phía quận 2, cầu nằm trên địa bàn P.Thạnh Mỹ Lợi, nối kết với đường vành đai phía đông sắp được xây dựng. Đường vành đai phía đông sẽ kết nối với Quốc lộ 1A (gần ngã tư trạm 2, quận Thủ Đức), đồng thời có một nhánh kết nối với khu công nghệ cao TPHCM (quận 9).

 

Các dự án này sẽ được hoàn thành đồng bộ với cầu Phú Mỹ. Như vậy, cầu Phú Mỹ sau khi hoàn thành sẽ nối kết hoàn chỉnh tuyến giao thông vành đai của thành phố, tạo thuận lợi cho lưu thông giữa TPHCM với miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

 

Tổng vốn đầu tư dự án cầu Phú Mỹ là 1.806,52 tỉ đồng. Thực hiện theo quy chế đầu tư BOT trong nước, nhà đầu tư sẽ được khai thác dự án (thu phí giao thông qua cầu) trong thời gian 26 năm tính từ ngày 1/1/2009. 

 

Nhà đầu tư được quyền thu phí sớm hơn thời điểm trên nếu công trình hoàn thành, đưa vào khai thác sớm. Ngoài việc thu phí, nhà đầu tư còn được kinh doanh các dịch vụ trên toàn bộ công trình BOT trong phạm vi mặt bằng của dự án.

 

Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ đã chọn nhà thầu Bilfinger Berger (Đức) làm tổng thầu cho dự án, đồng thời là đại diện cho liên danh với 3 nhà thầu khác gồm Baulderstone Hornibrook (Úc), Freyssinet International et Companie và Arcadis (Pháp) tham gia xây dựng cây cầu này.

 

Theo Mai Vọng

Báo Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm