1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khói, bụi, chì… đầu độc đường phố Sài Gòn

(Dân trí) - Khói xe ngày càng nồng nặc vì kẹt xe ngày càng nhiều, nồng độ bụi luôn tăng, chì vẫn tồn tại trong không khí dù đã cấm xăng pha chì… Đó là thực trạng bầu không khí “khủng khiếp” mà người dân TPHCM đang phải hít thở hàng ngày.

Khói, bụi, chì… đầu độc đường phố Sài Gòn - 1

Kẹt xe ngày càng nhiều, sự tồn tại của những chiếc xe tải trọng tải lớn, cũ kỹ,... khiến tình trạng ô nhiễm tại các giao lộ trở nên đáng báo động.
 
Theo số liệu mà Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM thu thập được tại 6 trạm quan trắc không khí trên địa bàn TP, thì ô nhiễm bụi lơ lửng (từ khói, bụi) là nghiêm trọng nhất vì có đến 89% giá trị quan trắc không đạt tiêu chuẩn cho phép, luôn nằm ở mức nguy hại cao. Đặc biệt là tại khu vực ngã tư An Sương, chỉ số đo tại mọi thời điểm đều không đạt chuẩn, có lúc vượt chuẩn đến gần 5 lần.

 

Chi cục cũng cảnh báo ô nhiễm do chì đang có dấu hiệu gia tăng. So với cùng kỳ năm 2008 thì các giá trị đo được có giảm nhưng so với thời điểm cuối năm 2008 thì tăng. Nồng độ chì đo được tại 6 trạm quan trắc thời gian gần đây là khoảng 0,22 - 0,38g/m3; cao nhất là tạo khu vực ngã 6 Gò Vấp, nồng độ chì trung bình là 0,38g/m3. Điều này cho thấy trong xăng vẫn còn chì dù nước ta đã cấm xăng pha chì từ lâu.

 

Ngoài ra, nồng độ NO2 đo được tại các trạm cho thấy chỉ số này cũng vượt tiêu chuẩn cho phép và đang có dấu hiệu tăng tần suất lần đo vượt chuẩn (68% giá trị đo là vượt chuẩn), dao động trong mức 0,19 - 0,34mg/m3. Chỉ có nồng độ CO là cơ bản vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép, chỉ có chừng 10% giá trị đo vượt chuẩn.

 

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường thì nguyên nhân gây ô nhiễm không khí lớn nhất vẫn là hoạt động sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, khói và khí thải nhà máy đều nằm tại các khu vực ngoại thành và ống khói cao, khí xả gây ô nhiễm ở tầng không khí trên cao, phát tán diện rộng và pha loãng nên người dân ít cảm nhận được, ít ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

 

Trong khi đó, tác nhân gây ô nhiễm không khí tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân chủ yếu là hoạt động của xe cơ giới. Bởi tuy lượng khí thải này không nhiều như khí thải công nghiệp nhưng phát thải ở tầm thấp, tập trung ở khu vực nội thành đông đúc, ít phát tán do bị các tòa nhà bao bọc… 

 

Do vậy, tình trạng ô nhiễm không khí tại TPHCM chủ yếu xảy ra tại các trục đường giao thông, chỉ số chất lượng không khí ở mức kém (mức nhạy cảm, nên hạn chế ra ngoài); còn tại khu dân cư thì chỉ số chất lượng không khí vẫn ở mức tốt.

 

Hiện tại, mỗi ngày có gần 5 triệu xe cơ giới hoạt động trên địa bàn thành phố, chủ yếu là tại các trục đường chính của khu vực 500 km2 trung tâm. Điều đó khiến nồng độ ô nhiễm không khí càng nghiêm trọng hơn trên các tuyến giao thông. Các chuyên gia môi trường đều khuyên người dân thành phố càng hạn chế ra đường càng tốt; đặc biệt là trong thời điểm nắng nóng, khó chịu, thời tiết giao mùa…

 

Tùng Nguyên