Quảng Ngãi:

Khóc nghẹn vì lo biển "nuốt" nhà

(Dân trí) - "Mỗi lần mưa bão là vợ chồng chị phải khiêng cha đi ở tạm nơi khác", chị Tiêu Thị Liễu (thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn) khóc nghẹn khi nói về tình cảnh phải sống trong ngôi nhà chờ sập bên bờ biển suốt 8 năm qua.

Người dân Quảng Ngãi lo sợ biển "nuốt" nhà

Những căn nhà chờ sập...

Một ngày biển động, sóng gầm gừ lao vào đất liền. Những thân phi lao cuối cùng chưa bị sóng biển cuốn trôi oằn mình trong gió. Trên bờ biển thôn Lệ Thủy, vết tích những căn nhà bị sóng biển kéo sập vẫn còn hiện hữu minh chứng cho sự tàn phá của sóng gió.

Kế bên những ngôi nhà đã sập là ngôi nhà cha con chị Tiêu Thị Liễu sinh sống.

"Căn nhà của cha chị hư hỏng do bão từ năm 2009, sau đó sóng biển ăn sâu vào đất liền khiến móng nhà bị xói lở, cột gãy gần hết nên cha chị không dám ở. Mỗi lần biển động là vợ chồng chị phải khiêng cha đi ở nhờ nơi khác", chị Liễu buồn rầu.

Khóc nghẹn vì lo biển "nuốt" nhà - 1
Ngôi nhà hư hỏng quá nặng nên mỗi lần mưa bão chị Liễu phải khiêng cha đi ở nhờ
Ngôi nhà hư hỏng quá nặng nên mỗi lần mưa bão chị Liễu phải khiêng cha đi ở nhờ

Cuộc sống của cư dân thôn Lệ Thủy ai cũng khó khăn, gom góp cả đời mới xây được căn nhà tránh gió bão. Những căn nhà được xây cách mép sóng xa tít, vậy mà chỉ trong khoảng 8 năm trở lại đây những con sóng đã ăn sâu vào cả sân vườn rồi kéo phăng mọi thứ ra biển, trong đó có 5 căn nhà của người dân.

"Suốt đời bám biển giờ có muốn đi đâu cũng không được vì tiền đâu mua đất, xây nhà. Gia đình kiến nghị xin hỗ trợ suốt năm này qua năm khác mà chẳng thấy đâu. Cha chị đã 90 tuổi lại bệnh tật mà mỗi lần biển động phải chịu cảnh bị khiêng đi nơi khác ở nhờ", chị Liễu khóc nghẹn.

Bà Nguyễn Thị Trí (59 tuổi) là một phụ nữ neo đơn thuộc diện cận nghèo của thôn Lệ Thủy. Suốt nhiều năm qua, bà Trí cũng nằm trong tình cảnh có nhà mà không dám ở.

Bà Nguyễn Thị Trí phải sống trong căn nhà chờ sập suốt nhiều năm qua
Bà Nguyễn Thị Trí phải sống trong căn nhà chờ sập suốt nhiều năm qua

Căn nhà của người phụ nữ neo đơn thuộc diện "báo động đỏ", tường nhà chằng chịt những vết nứt, mái nhà võng xuống vì gió bão, một phần mái cũng đã "bay" theo gió biển.

Ngay sát sân nhà bà Trí là một căn nhà chỉ còn một nửa, nửa còn lại đã bị sóng biển "nuốt" trước đó vài năm. Dấu vết sóng biển ăn sâu vào sân trước ngôi nhà của người phụ nữ nghèo này trong những ngày biển động vẫn còn hiện rõ.

"Sóng đánh vào khiến một phần sân bị sụp, còn căn nhà chỉ cần một cơn bão là sập nhưng vẫn phải ở chứ biết đi đâu. Ở nhưng sợ lắm nên buổi tối phải đi ngủ nhờ nhà hàng xóm", bà Trí than thở.

Kiến nghị mỏi mòn

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Búp - Trưởng thôn Lệ Thủy, cho biết, nếu cơn bão số 10 vừa rồi vào Quảng Ngãi thì nhiều căn nhà của người dân thôn Lệ Thủy sẽ sập.

Thôn Lệ Thủy có 25 hộ với gần 100 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi tình trạng nước biển xâm thực. Trong đó có 5 hộ bị sóng biển "nuốt nhà" đã được di dời, tái định cư. Riêng những hộ dân còn lại mòn mỏi chờ đợi, sống trong sợ hãi từ năm này qua năm khác trong những căn nhà bị sóng biển đe dọa.

"Hiện có 3 căn nhà đã bị gió bão, sóng biển gây hư hỏng quá nặng có thể sập bất cứ lúc nào nhưng người dân vẫn phải ở. Nhiều năm nay, người dân địa phương kiến nghị, cầu cứu khắp nơi vẫn không được hỗ trợ di dời đi nơi khác", ông Búp cho biết.

Cũng theo ông Búp, với tình trạng nhiều căn nhà đã hư hỏng quá nặng, một số khác bị nước biển xâm thực đến sát chân tường nên việc sóng, gió gây sập nhà dân là không thể tránh khỏi.

"Khẩn thiết nhất là nhà nước phải hỗ trợ di dời dân vùng sạt lở, nếu không gió bão sẽ gây sập nhà nguy hiểm đến tính mạng, thiệt hại tài sản của người dân. Về lâu dài, người dân mong muốn có kè chắn sóng để giữ đất, giữ làng", ông Búp kiến nghị.

Bao giờ người dân thôn Lệ Thủy hết lo biển nuốt nhà?
Bao giờ người dân thôn Lệ Thủy hết lo biển "nuốt" nhà?

Về phía UBND xã Bình Trị, Chủ tịch UBND xã Ngô Văn Thính, xác nhận, tình trạng xâm thực gây xói lở bờ biển tại khu vực Lệ Thủy diễn biến quá phức tạp gây thiệt hại nặng cho người dân.

"Mỗi năm nước biển ăn sâu vào đất liền vài mét làm sập nhà, mất đất của người dân. Mấy năm trước Sở NN&PTNT đã hỗ trợ 5 hộ dân mất nhà di dời đến nơi tái định cư. Tuy nhiên những hộ còn lại chúng tôi cũng kiến nghị suốt vẫn chưa thấy hỗ trợ", ông Thính cho biết.

Tình trạng nhà ở bị hư hỏng, bị sóng biển đe dọa cuốn trôi khiến đời sống người dân thôn Lệ Thủy gặp nhiều khó khăn. Theo ông Thính, địa phương mong muốn được tỉnh hỗ trợ để di dời người dân vùng sạt lở đến nơi ở an toàn.

"Kiến nghị suốt mà chưa được nên cứ đến mùa mưa bão chúng tôi phải vận động người dân di dời đến nơi ở an toàn. Người và tài sản có thể di dời được nhưng cái nhà thì chịu, vì vậy nếu sóng gió mạnh quá thì phải đành nhìn nhà dân bị cuốn trôi", ông Thính chia sẻ.

Quốc Triều