1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2009:

“Khoa học Việt Nam phải giải quyết vấn đề bức xúc của Việt Nam”

(Dân trí) - “Cần phải tôn vinh hơn nữa những cá nhân, tập thể nhà khoa học có công trình nghiên cứu và ứng dụng giải quyết được những vấn đề thực tiễn của Việt Nam… Khoa học Việt Nam phải giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân Việt Nam”.

Đó là mong muốn, trăn trở của Gs.Vs Nguyễn Văn Hiệu khi thấy còn nhiều Nhà khoa học tâm huyết với các công trình nghiên cứu giá trị nhưng chưa được tôn vinh, trọng dụng.
 
“Khoa học Việt Nam phải giải quyết vấn đề bức xúc của Việt Nam” - 1

Gs.Vs Nguyễn Văn Hiệu và ông Phạm Huy Hoàn - Tổng Biên tập Báo Điện tử Dân trí, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng đã dành nhiều thời gian tới các Trường Đại học, Viện khoa học nhằm tìm ra những công trình xứng đáng để tôn vinh

 

Những cống hiến “âm thầm”

 

Gs.Vs Nguyễn Văn Hiệu tâm sự: “Trong số những người được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 1996 giờ chỉ còn tôi và Gs Hoàng Tụy là còn sống. Giải thưởng Hồ Chí Minh thì 5 năm mới trao một lần. Còn rất nhiều nhà khoa học với những công trình thực sự có giá trị khoa học chưa được biết đến, chưa được tôn vinh và trọng dụng”.

 

Để chứng minh cho quan điểm của mình, Gs.Vs Nguyễn Văn Hiệu lấy một ví dụ là công trình kênh T5 tại An Giang nay mang tên kênh Võ Văn Kiệt.

 

Kênh T5 dài 48 km, xây dựng trong giai đoạn 1997 - 1999. Đây là hệ thống kênh quan trọng không chỉ thoát lũ nhanh, tạo mực nước vừa phải để người dân khai thác làm ăn trong mùa lũ, mà còn thau chua giúp nông dân vùng Tứ Giác Long Xuyên.. Hàng ngàn hộ dân an cư lạc nghiệp dọc bờ kênh, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho khu vực Tây Nam Bộ.

 

Theo Gs.Vs Nguyễn Văn Hiệu, những nhà khoa học xây dựng đề tài Kênh T5 rất xứng đáng được tôn vinh về những nghiên cứu khoa học đóng góp cho thực tiễn. Tuy nhiên, “thử hỏi có bao nhiêu người trong tập thể này được ghi nhận công lao”, Gs Hiệu đặt câu hỏi.

 

Vì vậy, việc Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam mở rộng Giải thưởng Nhân tài Đất Việt sang lĩnh vực Khoa học tự nhiên là một việc làm có ý nghĩa rất thiết thực.

 

Sự khác biệt giữa hai nội dung giải thưởng

 

Xem thêm chi tiết về tiêu chí, thể lệ giải thưởng Nhân tài Đất Việt lĩnh vực Khoa học tự nhiên.

Giải thưởng về Công nghệ thông tin vẫn duy trì theo dạng một cuộc thi, các thí sinh chủ động đăng ký tham gia qua các sản phẩm của mình.

 

Nội dung Khoa học tự nhiên lại hoạt động theo mô hình Giải thưởng. Các nhà khoa học sẽ được Hội đồng Khoa học biết đến thông qua các công trình đã được công bố hoặc qua sự giới thiệu của các nhà khoa học khác. Căn cứ vào sự giới thiệu này, Hội đồng Khoa học sẽ có lời mời những nhà Khoa học đó tham gia và gửi thêm tài liệu bổ sung theo yêu cầu.

 

Mỗi năm, Ban tổ chức chỉ trao tặng tối đa 6 Giải thưởng tương ứng với các lĩnh vực Toán học, Cơ học, Vật lý, Hóa học, Các khoa học về sự sống, Các khoa học về Trái đất (gồm cả biển), và các lĩnh vực khoa học liên ngành hoặc đa ngành của hai hoặc nhiều ngành nói trên.

 

Việc giới thiệu là liên tục vì những công trình năm nay chưa đoạt  giải có thể được trao giải trong vòng 3 năm kế tiếp.

 

Trong các ngày 3 và 4/9, Gs.Vs Nguyễn Văn Hiệu cùng ông Phạm Huy Hoàn - Tổng Biên tập Báo Điện tử Dân trí, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng đã có buổi làm việc với Trường ĐH Công nghệ, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội và ĐH Sư phạm Hà Nội (ĐH Quốc gia Hà Nội) để giới thiệu về giải thưởng.

 

Lãnh đạo cả 3 trường đều có nhận định chung là hiện nay Khoa học cơ bản chưa được Nhà nước quan tâm đúng mức. Trong khi đó, những người làm công tác nghiên cứu Khoa học cơ bản lại không sinh lời như Công nghệ vì vậy rất khó thu hút được các sinh viên giỏi theo học.

 

Việc ban tổ chức Nhân tài Đất Việt tôn vinh các nhà khoa học trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với sự phát triển của nền khoa học nước nhà.

 

Quốc Long