1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Sẽ tuyệt vời nếu người đạt giải được trẻ hoá”

(Dân trí) - PGS. TS Nguyễn Hoàng Trí chia sẻ, niềm vui của ông sẽ còn trọn vẹn hơn “nếu người đoạt giải Nhân tài Đất Việt lĩnh vực Khoa học tự nhiên được trẻ hóa”. Còn GS Lê Trần Bình tâm sự, ông thấy trách nhiệm lớn hơn, sẽ phải cống hiến nhiều hơn nữa...

PGS. TS Nguyễn Hoàng Trí đã giành được giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên về Khoa học Môi trường. Ông hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Môi trường, ĐHSP Hà Nội; Tổng thư kí Uỷ ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam. Ông đã thành công trong việc xây dựng 8 khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam và đã được UNESCO/MAP công nhận…
Giáo sư Lê Trần Bình, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ sinh học nanô, trường Đại học Công nghệ - Đại học quốc gia Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên về Công nghệ Sinh học. Ông đã hoàn thành xuất sắc các công trình nghiên cứu về công nghệ tế bào thực vật và công nghệ gen.
Hãy cùng Dân trí gặp gỡ hai trong ba nhà khoa học lần đầu tiên được vinh danh trong giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2009:
PGS. TS Nguyễn Hoàng Trí: Lập quỹ nghiên cứu sinh quyển từ giải thưởng
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lần đầu tiên mở rộng sang lĩnh vực khoa học tự nhiên và PGS là một trong những người đầu tiên nhận giải ở lĩnh vực này. PGS đánh giá như thế nào về ý nghĩa của giải thưởng mình vừa nhận?
PGS. TS Nguyễn Hoàng Trí: Giải thưởng này là một sự công nhận về xã hội đối với không chỉ cá nhân mà đối với những người làm ngành khoa học cơ bản. Tôi nghĩ rằng, đây là lĩnh vực âm thầm, như một phần chìm của tảng băng, nhưng nếu như không có phần chìm đó sẽ không có phần nổi.
 
“Sẽ tuyệt vời nếu người đạt giải được trẻ hoá” - 1
PGS. TS Nguyễn Hoàng Trí hạnh phúc sau khi nhận giải.
 
Phần chìm ấy dĩ nhiên còn cả khoa học xã hội, khoa học nhân văn, nghiên cứu văn hoá. Nếu sau này những lĩnh vực đó cũng  được tôn vinh sẽ rất có ý nghĩa.

Cảm giác của PGS như thế nào khi bước lên sân khấu nhận giải cùng với những người còn rất trẻ của lĩnh vực công nghệ thông tin?

Điều này tạo cho tôi một cảm giác rất đặc biệt. Thế hệ chúng tôi đã nhiều năm công tác hoặc sắp về hưu rồi, được trao giải đã thể hiện sự chăm lo, nhìn nhận ra vấn đề.

Nhưng nếu số người đạt giải của lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng được trẻ hoá, sôi nổi như công nghệ thông tin sẽ rất tuyệt vời.

Vậy sau khi đạt giải, PGS sẽ có những hoạt động gì để hướng tới tới những đồng nghiệp trẻ của mình?

Mình sẽ dành một phần giải thưởng làm quĩ sinh quyển để cho các em nghiên cứu về sinh quyển. Cũng giống như giải thưởng Nhân tài Đất Việt, mặc dù quĩ sinh quyển không lớn nhưng sẽ có tác dụng để kích thích thế hệ trẻ trong hoạt động về môi trường, có được ý nghĩa không chỉ đối với Việt Nam.

Phát biểu sau thời khắc được tôn vinh, PGS nói rằng, lĩnh vực mình theo đuổi “rất khó để bước chân vào”. Liệu điều này có làm nản lòng những người trẻ?

(Cười)…Có thể khó với người này, nhưng chưa chắc khó với người khác. Hơn nữa, phải nói trước cho người ta biết, chứ nếu mình bảo con đường trải đầy hoa hồng, khi gặp khó khăn người ta dễ nản lòng. Còn chắc chắn là khó vì lĩnh vực này, không phải anh đưa vốn đầu tư vào mà anh có kết quả ngay, kể cả sức lực cũng như trí tuệ.

Các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo của nhiều nước trên thế giới đã nói rất nhiều đến biến đổi khí hậu. Việc thu hút những người trẻ tham gia vào xây dựng các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam như PGS đã và đang làm sẽ rất có ý nghĩa trong cuộc chiến chống lại biến  đổi khí hậu?   

Khu sinh quyển chính là mô hình trong tương lai. Trong đó, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cùng nối kết với nhau để thực hiện những nhiệm vụ mà hiện nay mới bắt đầu nhen nhóm lên, tức là biến đổi khí hậu không đòi hỏi chỉ giải quyết những vấn đề tự nhiên mà còn là những vấn đề xã hội…
Giáo sư Lê Trần Bình: Làm khoa học không phải để kiếm tiền

Ông có bất ngờ không khi được nhận Giải thưởng NTĐV lĩnh vực Khoa học tự nhiên?

Giáo sư Lê Trần Bình: Tôi không bất ngờ. Vì trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên, những cá nhân được nhận giải đều đã qua quá trình đề cử và được giới thiệu.
“Sẽ tuyệt vời nếu người đạt giải được trẻ hoá” - 2
Giáo sư Lê Trần Bình chia vui cùng người thân

Cảm xúc của ông như thế nào sau khi nhận giải?

Sau hơn 40 năm làm khoa học, hôm nay nhận được giải thưởng NTĐV tôi thực sự rất vui mừng!

Nhưng, nhận được giải thưởng này tôi hiểu rằng từ đây trách nhiệm của mình lớn hơn, mình sẽ phải cống hiến nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự quan tâm, ghi nhận của Nhà nước, của xã hội và tất cả mọi người dành cho mình.

Từ giải thưởng này, ông có điều gì muốn nhắn gửi tới thế hệ trẻ Việt Nam?

Giới trẻ Việt Nam đang sống trong xã hội thông tin, tiếp thu và kế thừa những thành tựu của khoa học thế giới. Tuy nhiên, các bạn phải luôn ghi nhớ rằng muốn làm khoa học thì phải có niềm đam mê, muốn đi tới thành công thì không được ngại khó, ngại khổ, không được nghĩ rằng làm khoa học là để kiếm tiền mà phải vì mục đích phát triển sự nghiệp khoa học kỹ thuật của nước nhà.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Cấn Cường - Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm