Khó xử lý tiêu cực trong cảnh sát giao thông
Đó là thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh trước Quốc hội hôm qua, 10/6. Hộ khẩu và tiêu cực của cảnh sát giao thông là hai vấn đề bức xúc của các đại biểu. Nhưng Bộ trưởng Lê Hồng Anh tuyên bố không thể xóa bỏ hộ khẩu...
Trả lời các đại biểu Lê Quang Bình (Kon Tum), Nguyễn Thị Hằng Nga (TPHCM) câu hỏi cần làm gì để bớt gây phiền hà cho dân trong vấn đề hộ khẩu? Bộ trưởng Lê Hồng Anh đặt vấn đề: “Có nên xóa bỏ hộ khẩu?”, rồi lại tự đưa ra câu trả lời rằng “không được”, bởi bất kỳ quốc gia nào cũng phải có quản lý dân cư, chỉ bằng hình thức này hay hình thức khác mà thôi.
Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh đã không vui vẻ gì khi nêu hiện tượng có thực trong trả lời chất vấn của đại biểu Tôn Nữ Thị Ninh (Bà Rịa-Vũng Tàu) về thực trạng nổi cộm là cảnh sát giao thông (CSGT) chỉ nhăm nhăm phạt những người vi phạm mà quên mất nhiệm vụ chính là giữ gìn trật tự an toàn giao thông.
Đại biểu Ninh: “Tôi thường xuyên đi làm qua ngã tư rất đông là Thái Hà-Láng Hạ (Hà Nội) nhưng nhiều khi không thấy bóng dáng CSGT nào, khi có cũng chỉ... đứng nhìn không can thiệp. Trái lại, ngã tư Trần Phú-Điện Biên Phủ (Hà Nội) lúc vắng vẻ cũng thường xuyên túc trực 2 CSGT “nhiệt tình” xử phạt những người lỡ rẽ trái không đúng quy định”. Bộ trưởng Lê Hồng Anh: “Đúng là có tình trạng CSGT nơi cần không có, nơi không cần lắm lại có. Có CSGT làm nhiệm vụ ở ngã năm, ngã bảy thấy ùn tắc giao thông đã... bỏ trốn luôn” (?!).
Khẳng định quyết tâm làm trong sạch CSGT, Bộ trưởng Lê Hồng Anh dẫn chứng trường hợp thành lập ngay đoàn thanh tra để xử lý sai phạm của CSGT Đồng Nai năm 2004. “Kết quả là ban giám đốc bị cảnh cáo. Ngay đồng chí giám đốc Công an Đồng Nai là đại biểu Quốc hội đang ngồi đây cũng bị cảnh cáo” - Bộ trưởng Lê Hồng Anh làm cả nghị trường ồ lên.
“Đã làm nghiêm chưa? Hết chưa? Thú thật với Quốc hội là tôi cũng chưa thể biết đầy đủ” - ông Lê Hồng Anh thừa nhận về nỗi khó khăn xử lý thực trạng tiêu cực dai dẳng trong lực lượng CSGT.
“Phải loại bỏ ngay khỏi lực lượng CAND” - Bộ trưởng Lê Hồng Anh phẫn nộ thốt lên với ĐB Tôn Nữ Thị Ninh khi bà dẫn ra trường hợp chính mình mục kích: Một cảnh sát đá vào thúng hoa của những nông dân nghèo đứng không đúng chỗ quy định. Bộ trưởng góp thêm: “Trước khi về Bộ Công an, tôi cũng có lần chứng kiến một bà già bán rau phải quỳ lạy một cảnh sát để anh ta khỏi bắt giữ gánh rau. Gánh rau 5.000-10.000 đồng nhưng là tiền sinh sống của cả nhà trong ngày. Trước đây tôi đã thấy bức xúc về vấn đề này nay khi đã về bộ lại càng bức hơn”.
Trả lời chất vấn của ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) về trách nhiệm của ngành công an trước hàng loạt các động lắc ở Hà Nội và TPHCM vừa bị triệt phá, Bộ trưởng Hồng Anh nói: “Hằng ngày trên mặt báo có vụ việc liên quan đến công an tôi đều yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải làm rõ vấn đề, xử lý nghiêm. Nhưng cấp dưới có thực hiện tốt hay không thì quả thật nơi này nơi khác còn có tình trạng nể nang”.
Hôm nay (11/6), Quốc hội nghe đọc tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Chống tham nhũng; thông qua 3 luật: Luật Du lịch, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi); Luật Sửa đổi một số điều của Luật Khoáng sản; và biểu quyết bổ sung Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh kỳ họp này.
Theo Người lao động