1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Khó xử lý thực phẩm bẩn vì không gây hậu quả cụ thể”

(Dân trí) - Trong khi đại biểu Phạm Thị Thành lo ngại tác hại nghiêm trọng của thực phẩm bẩn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đào Văn Bình lại cho rằng thành phố khó xử lý hình sự các vụ thực phẩm nhiễm độc do không gây hậu quả cụ thể!

Sáng nay (10/12), đại biểu HĐND TP Hà Nội đã chất vấn nhiều vấn đề nóng bỏng liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm và giao thông đô thị.
 
Thanh tra chuyên ngành “bó tay”!

Đại biểu Nguyễn Việt Hưng cho rằng, thực trạng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng xấu đi và chúng ta đang đưa chất độc hại vào người, tích lũy ngày này qua tháng khác.

“Lực lượng chuyên ngành làm giám sát vệ sinh thực phẩm của thành phố có bao nhiêu người, chất lượng như thế nào? Tại sao có chuyện cán bộ thú y nằm ngủ ở trạm giết mổ, khi lực lượng cảnh sát đến mới nháo nhào dậy đóng dấu cho lợn?”, ông Hưng chất vấn.

Đáp lại, Phó Chủ tịch Đào Văn Bình cho biết, lực lượng kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm hiện còn mỏng, với biên chế 20 người. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng của đội ngũ này như thế nào lại chưa được Phó Chủ tịch thành phố đánh giá.

Bắt tiếp vào mối lo ngại về chất lượng của lực lượng kiểm soát thực phẩm, đại biểu Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề: các vụ việc mỡ bẩn, mực thối vừa qua do lực lượng công an phát hiện được, chứ không phải do thanh tra của các sở ngành. Xác định trách nhiệm của chính quyền cơ sở và trách nhiệm của thanh tra y tế, thị trường như thế nào là vấn đề được ông Nam đặt ra.

“Phát hiện ra mỡ bẩn vừa qua là công an môi trường. Công an cũng là 1 thành viên Ban chỉ đạo của thành phố về vệ sinh an toàn thực phẩm, chứ không phải ai khác phát hiện ra”, ông Bình “tự tin”.
“Khó xử lý thực phẩm bẩn vì không gây hậu quả cụ thể” - 1

Về vấn đề trách nhiệm, ông Bình cho rằng phát hiện lòng bẩn ở chợ thì ban quản lý chợ phải chịu trách nhiệm hay phát hiện thực phẩm bẩn trên địa bàn xã nào, lãnh đạo xã đó phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đã được thực hiện như thế nào lại không được đề cập.   

Theo đại biểu Phạm Thị Thành, những trả lời của lãnh đạo thành phố chưa thỏa đáng. Bà Thành nhận định những vụ việc thực phẩm bẩn vừa qua cho thấy chúng ta quá coi thường vấn đề mà tác hại có thể kéo đến đời con cháu. Trong khi đó tại Trung Quốc, vụ sữa nhiễm chất độc hại, đã có tới 3 người bị tuyên án tử hình.

Giải đáp vấn đề này, ông Bình cho rằng, vụ việc sữa tại Trung Quốc dẫn tới chết người nên đã bị xử lý. Còn vụ mực thối ở chợ Long Biên, ông Bình cho biết đã giao công an thụ lý hồ sơ, kiên quyết truy tố, nhưng phía công an trả lời khó xử lý hình sự vì không gây hậu quả cụ thể!

Chặn ngã tư: tác dụng ít, tác hại nhiều!

Trong phần chất vấn Phó Chủ tịch TP Nguyễn Văn Khôi về vấn đề giao thông, khi đề cập giải pháp chặn các ngã ba, ngã tư, đại biểu Đào Xuân Mùi phân tích: có hai xu hướng nhận định khác nhau về cách làm này.

Xu hướng thứ nhất đánh giá, đây là sáng kiến rất hay và đề nghị có khen thưởng. Tuy nhiên xu hướng khác lại cho rằng, cách làm này tác dụng ít, tác hại nhiều. Một loạt tác hại đã được kể ra như gây ách tắc tại các điểm khác, phá vỡ hệ thống giao thông đô thị, phá vỡ ý thức tuân thủ trật tự giao thông, mất an toàn cho người tham gia giao thông, làm khó cho người đi bộ…

“Lợi ít hơn hại như vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm?”, ông Mùi chất vấn.

Ông Nguyễn Văn Khôi thừa nhận có những ý kiến trái chiều với giải pháp đang thực hiện. Theo ông giải pháp tạm thời cũng có những hiệu quả nhất định, như giảm xung đột ở ngã ba, ngã tư, nhưng lại tăng xung đột ở các góc quay. Hiện thành phố đang chỉ đạo các sở, ngành rà soát lại để cuối tháng 12 này có phương án triển khai cho năm 2010.

Đề cập đến yếu tố có tính chiến lược cho giải quyết vấn đề giao thông, đại biểu Trần Trọng Hanh cho rằng, quy hoạch chung Hà Nội dự kiến đô thị tới đây sẽ có 10 -15 triệu dân là không hợp lý và theo ông chỉ nên dừng ở mức 5 triệu dân. Thành phố có theo quan điểm đô thị vừa phải và liệu có kéo trung tâm ra bên ngoài hay không là vấn đề đại biểu Hanh đặt ra.

“Quan điểm của thành phố là dân cư trong đô thị ở mức thấp nhất”, ông Khôi khẳng định. Theo ông Khôi, tới đây sẽ phải xây dựng hạ tầng và đô thị vệ tinh bên ngoài để giãn bớt dân ra.

Câu trả lời không làm đại biểu Hanh hài lòng: “Càng xây dựng đô thị vệ tinh càng “chết”, vì đô thị vệ tinh là đô thị lệ thuộc, người dân sáng đi làm trong nội đô, chiều về sẽ rất nguy hiểm cho giao thông”.

Ông Khôi vội “chữa”, thành phố sẽ xây dựng vành đai 4 cùng các hạ tầng khác để giãn dân ra. Cũng theo ông Khôi, trong tháng 12, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo quy hoạch các trường ĐH, CĐ, các bệnh viện, trong đó có việc di chuyển một số cơ sở ra bên ngoài.

“Chúng ta thực hiện nhanh cái đó, chứ không chờ đô thị vệ tinh”, ông Khôi lý giải.

Cấn Cường