1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Khó xử lý cán bộ do Trung ương quản lý"

“Xử lý án tham nhũng đụng chạm đến con người, đòi hỏi phải xử lý đúng người, đúng tội. Không thể có đặc thù cho một ai vi phạm mà được đứng ngoài vòng pháp luật. Đây là vấn đề Đảng ủy công an T.Ư và lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu, nhắc nhở rất kỹ đối với cơ quan điều tra”. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm đã trao đổi cởi mở với báo chí hôm qua 17/7.

Thưa thượng tướng, vừa qua Thủ tướng đã nghe và có ý kiến chỉ đạo điều tra, xử lý đối với năm vụ án điểm, Bộ Công an đã triển khai việc này ra sao?

Đảng ủy công an T.Ư và lãnh đạo bộ đã bàn, chỉ đạo các cơ quan điều tra tập trung lực lượng, tập trung nguồn lực để sớm kết thúc điều tra vụ án tham nhũng ở PMU18, vụ án mà dư luận và Chính phủ đang quan tâm.

Tôi cho đây là một nhiệm vụ cấp bách chung của Chính phủ và đồng thời là nhiệm vụ cấp bách của lực lượng công an.

Trong quá trình điều tra năm vụ án điểm, lực lượng công an có gặp khó khăn, trở ngại gì, thưa thượng tướng?

Khó khăn của cơ quan điều tra cũng như các cơ quan chức năng là việc xử lý đối với những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Thời gian tới lực lượng công an phải làm quyết liệt, theo qui định của Đảng và pháp luật đã định.

Không thể có đặc thù cho một ai vi phạm mà được đứng ngoài vòng pháp luật. Đây là vấn đề Đảng ủy công an T.Ư và lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu, nhắc nhở rất kỹ đối với cơ quan điều tra.

Thưa thượng tướng, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về vụ việc liên quan tới ông Trần Quốc Trượng, phó tổng thanh tra Chính phủ. Sắp tới Bộ Công an sẽ có chỉ đạo thế nào đối với điều tra vụ việc này?

Đây là vấn đề phức tạp vì đụng đến cán bộ trong hệ thống các cơ quan chống tham nhũng. Đảng ủy công an T.Ư và lãnh đạo Bộ Công an cũng xác định đây là trọng điểm cần tập trung lực lượng để làm rõ mức độ sai phạm, từ đó xem xét tăng nặng hay giảm nhẹ đối với những cá nhân liên quan. Quá trình điều tra cũng sẽ làm rõ đúng sai, lỗi cố ý hay vô ý.

Đối với trường hợp thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, cơ quan điều tra đã có kết luận nào trước khi Bộ Công an ra các quyết định liên quan tới công việc tướng Oánh đang đảm nhiệm?

Tới giờ này, chúng tôi vẫn chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Như tôi đã nói, chúng ta “trọng chứng hơn trọng cung, trọng cung hơn trọng tin đồn”, mọi việc phải rất chặt chẽ.

Nhưng để đảm bảo đủ độ xử lý, sẽ không chờ kết luận của cơ quan điều tra. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định để đồng chí Cao Ngọc Oánh thôi nhiệm vụ thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra.

Đồng thời về mặt Đảng, Đảng ủy công an T.Ư đã thành lập một tổ tiến hành kiểm tra, xác định về mặt tư cách, phẩm chất. Đến khi nào hai kênh này nối lại, đảm bảo chuẩn xác, lúc đó Đảng ủy công an T.Ư sẽ nghe và ra quyết định cụ thể cho xác đáng.

Thưa ông, Luật phòng chống tham nhũng đã qui định về đơn vị chuyên trách chống tham nhũng nằm trong lực lượng công an. Việc thành lập đơn vị này đã triển khai tới đâu?

Đảng ủy công an T.Ư xác định đây là nhiệm vụ rất trọng tâm và cấp bách. Bộ Công an đã hoàn thành đề án, chuẩn bị mọi điều kiện để ra mắt. Sắp tới sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội đề nghị sửa một số qui định trong Bộ luật tố tụng hình sự, pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự.

Hiện pháp lệnh qui định trong hệ thống lực lượng cảnh sát điều tra có bốn cục, nay cần thêm Cục Phòng chống tham nhũng nữa. Việc này cần xử lý nhanh và làm thế nào để định hình sớm.

Còn nhiệm vụ chống tham nhũng vẫn là nhiệm vụ thường xuyên, không phải chờ đợi gì vì các đơn vị chức năng đã có nhiệm vụ này.

Theo N.V.Hải - Trần Đăng
Báo Tuổi trẻ