1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tận thu gỗ… lim rừng tự nhiên:

Khó quản lý hay cố ý “bật đèn xanh”?

(Dân trí) - Lãnh đạo các xã và huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, việc quản lý người dân khai thác gỗ tận thu là rất khó khăn do địa bàn rộng, nhưng liệu đó có phải là lý do khiến nhiều m3 gỗ lim rừng bị “đánh lận con đen” thành gỗ lóc lõi?

Trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Nguyễn Thanh Kiếm và Chủ tịch xã Thượng Long Nguyễn Thanh Phia đều cho rằng: chủ trương cho tận thu gỗ lóc lõi, cành ngọn, gốc đe xuất phát từ nhu cầu tránh lãng phí tài nguyên rừng và tăng thu nhập cho bà con.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu trước khi 2 xã Thượng Long và Thượng Nhật có tờ trình gửi huyện thì Xí nghiệp lâm nghiệp Long Phụng - một doanh nghiệp chuyên kinh doanh, chế biến gỗ có trụ sở ở thị trấn La Sơn - đã có tờ trình số 03/2008 TTr gửi UBND huyện Nam Đông đề nghị được tận thu, tận dụng số gỗ “lóc lõi” ở khu vực đất sản xuất, trồng rừng.

Mặt khác, các chủ gỗ mà Dân trí tiếp xúc đều khẳng định số gỗ mà họ tận thu được đều được bán cho Long Phụng với giá khoảng 6 triệu đồng/m3. Một nguồn tin cũng cho rằng doanh nghiệp này đã “đặt cọc” trước cho các hộ để hỗ trợ việc vận chuyển gỗ về nhà.

Thực tế, gần 2 tháng trước khi có công văn 82/UBND-KL (ngày 29/3) gửi Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế, UBND huyện Nam Đông đã có công văn số 34/UBND-KL (1/2) chấp thuận đề nghị của Long Phụng, cho phép doanh nghiệp này “chủ trì phối hợp” với UBND các xã và các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, thống kê và ước tính khối lượng gỗ tận thu trên một số tiểu khu thuộc 3 xã Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Nhật. Nhưng theo quyết định mới của huyện, xã Thượng Quảng không có tên trong đợt tận thu này.

Về vai trò của doanh nghiệp Long Phụng trong việc tận thu này, ông Kiếm cho rằng: “Long Phụng chỉ phối hợp với xã và kiểm lâm để kiểm tra, còn người dân bán gỗ cho ai là quyền của họ. Ai trả được giá cao thì người ta bán” (?!).

Một chi tiết là khi cán bộ xã “lập đại” danh sách, khối lượng gỗ tận thu mà theo ông Kiếm là “xuất phát từ nhu cầu của người dân”, các hộ có tên trong danh sách vẫn chưa hay biết gì. Trao đổi với Dân trí, ông Kiếm cho rằng khi cán bộ xã đi thực tế kiểm tra nhưng làm chưa kỹ và người dân chỉ bừa sang rẫy người khác khai là gỗ của mình.

Tuy nhiên, các khu rẫy, đất trong rừng ở khu vực này đều được phân chia thành tiểu khu, giao cho người dân quản lý và cán bộ xã không thể không nắm được điều này.

Ông Kiếm thừa nhận: “Xem danh sách ban đầu của các xã, tôi đã nghi ngờ và cho kiểm tra lại thì thấy số lượng và danh sách có thay đổi nhiều”. Thế nhưng trước khi “phát hiện có vấn đề”, ông Kiếm đã ký quyết định số 370/QĐ-UBND và 371/QĐ-UBND (ngày 18/4), phê duyệt những bản danh sách này.

Ông Đặng Thanh Phương, Trạm trưởng Kiểm lâm Hương Hữu cho biết, không áp đặt người dân bán gỗ cho doanh nghiệp Long Phụng và “trách” doanh nghiệp này “chạy theo cơ chế thị trường nên chỉ mua gỗ phách, gỗ hộp mà không mua gỗ tròn cho dân”.

Còn theo ông Kiếm, gỗ lóc lõi trên rẫy là gỗ tròn, nhưng để tiện vận chuyển thì người dân dùng cưa máy xẻ tại chỗ rồi mới vận chuyển về nhà. Người dân chủ yếu dùng trâu kéo gỗ từ rẫy về.

Nhưng khi PV phản ánh việc không có dấu vết nào cho thấy gỗ được vận chuyển từ rẫy về nhà bằng đường bộ mà chỉ có dấu vết ở các đường mòn từ rừng về, ông Nguyễn Thanh Phia lại “đỡ lời”: người dân vận chuyển từ rẫy về bằng... đường suối.

Về tình trạng gỗ rừng được “hô biến” thành gỗ lóc lõi và đã được đội kiểm tra liên ngành công nhận “đúng là gỗ lóc lõi”, ông Kiếm thừa nhận có tình trạng người dân khai thác gỗ rừng tự nhiên để bán vì “không thể nói việc quản lý khai thác gỗ là hoàn toàn chặt chẽ”.

Ông cho biết: “Tôi đã giao trách nhiệm cho Hạt kiểm lâm huyện chủ trì, cùng các cơ quan liên quan thành lập quy chế và tiến hành khai thác. Việc giám sát, kiểm tra trực tiếp thuộc trách nhiệm của Kiểm lâm địa bàn, nếu phát hiện thấy gỗ không đúng nguồn gốc thì không nghiệm thu”.

Chính vì vậy, ông Kiếm cho rằng đây là trách nhiệm của Ban Quản lý rừng phòng hộ và Hạt kiểm lâm!

Khẳng định sẽ rà soát lại quy trình làm việc “chưa chín chắn” của cán bộ cấp dưới, ông Kiếm cũng cho rằng gỗ lóc lõi trong nương rẫy vẫn còn, do đó vẫn sẽ tạo điều kiện cho bà con tận thu.

Thực tế, quyết định tận thu có thời hạn đến ngày 31/12/2008, có nghĩa là cuộc “tận thu” này vẫn còn tiếp diễn nếu không có một biện pháp cứng rắn, công minh để phân biệt trắng đen giữa gỗ quý ở rừng và gỗ lóc lõi.

Hồng Kỹ