1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thừa Thiên - Huế:

Tận thu gỗ... lim rừng tự nhiên

(Dân trí) - Tháng 4/2008, huyện Nam Đông có quyết định cho phép người dân tận thu gỗ lóc lõi, cành ngọn, gốc đe còn lại trên nương rẫy. Tuy nhiên sự thật phũ phàng, số gỗ tận thu này đã được “hô biến” từ chính gỗ lim đốn ở rừng tự nhiên về.

Danh sách “ma”, khối lượng cũng “ma”

Ngày 4/3/2008, UBND xã Thượng Long có tờ trình số 06/TTr-UB, một ngày sau đến lượt xã Thượng Nhật có tờ trình tương tự số 07/TTr-UB gửi UBND huyện Nam Đông xin tận thu gỗ lóc lõi, cành ngọn, gốc đe trên nương rẫy, đất trồng cao su...

Sau khi có công văn 82/UBND-KL (ngày 29/3) gửi Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế và được chấp nhận (theo công văn 409/CV-NNPTNT ngày 10/4), ngày 18/4, huyện Nam Đông đã ra liền 2 quyết định số 370 và 371/QĐ-UBND lần lượt cho phép các hộ gia đình có tên trong danh sách đính kèm với tờ trình của 2 xã Thượng Long, Thượng Nhật được tận thu. Các quyết định này được kế tiếp bởi một quy chế ngày 2/5, xem ra rất chặt chẽ và kín kẽ về mặt quy trình.

Ở xã Thượng Nhật, theo kê khai ban đầu chỉ có 10 hộ gia đình, nhưng tổng khối lượng tận thu lên tới 77,119m3. Ở Thượng Long, con số “ấn tượng” hơn nhiều với 40 hộ và khối lượng tận thu là 202,059m3.

Mặc dù có những con số chi tiết tới chữ số thập phân hàng nghìn như vậy, nhưng theo điều tra của Dân trí, đó là những con số do cán bộ xã lập bừa chiếu lệ. Theo đó, phần đông các hộ có tên trong bản danh sách này đều không biết mình được “chiếu cố”, cũng không hề ký vào một giấy tờ, văn bản nào liên quan.

Chính vì vậy, sau khi một cán bộ cấp huyện cảm thấy “nghi ngờ” và yêu cầu 2 xã rà soát, thẩm tra lại thì lập tức các con số thay đổi đến bất ngờ.

Ở xã Thượng Nhật, số hộ gia đình thuộc diện có gỗ tận thu được điều chỉnh thành 16 hộ, nhưng đáng chú ý là chẳng có hộ nào trong bản danh sách mới này trùng với khớp với các hộ trong danh sách ban đầu.

Khối lượng gỗ tận thu cũng giảm từ hơn 77m3 xuống còn 32,335 m3. Ở xã Thượng Long, con số mới chỉ còn là 20 hộ, khối lượng 31,804 m3, bằng 1/6 khối lượng kê khai ban đầu. Trong số 20 hộ này, chỉ có 3 hộ trùng với danh sách 40 hộ ban đầu.

Căn cứ theo tờ trình mới của 2 xã này, huyện lại ra 2 quyết định 804/QĐ-UBND và 805/QĐ-UBND ngày 3/7/2008 thay thế cho các công văn số 370/QĐ-UBND và 371/QĐ-UBND, trong đó hoàn toàn thống nhất về số lượng hộ và khối lượng tận thu mà các xã đã tường trình lên.

Trao đổi với Dân trí, một cán bộ xã Thượng Long thừa nhận, ban đầu xã đã “lập đại” một danh sách chứ chưa kiểm tra đầy đủ. Còn một lãnh đạo huyện thì cho rằng do ông tin vào cán bộ cấp dưới nên đã duyệt danh sách mà không cho thẩm tra lại.

Gỗ lóc lõi được… đốn ở rừng tự nhiên

Để tìm hiểu nguồn gốc thực của số gỗ được cho là “lóc lõi, cành ngọn, gốc đe” đã được kiểm lâm địa bàn và cán bộ lâm nghiệp 2 xã kiểm tra, đánh số, PV Dân trí đã đóng vai đầu nậu mua gỗ tiếp cận với nhiều người dân có tên trong danh sách đính kèm theo công văn 804 và 805/QĐ-UBND của huyện Nam Đông.

Theo ghi nhận, các phách gỗ được đánh số đều là lim (loại gỗ quý thuộc nhóm 2A, theo quy định phải hạn chế khai thác vì mục đích thương mại). Phần lớn các phách gỗ này đều mới khai thác, được cắt xẻ bằng cưa máy và vận chuyển từ rừng về, phần lớn bằng trâu kéo theo đường rừng.

Tưởng gặp được dân mua gỗ, nhiều người dân ở đây đã không ngần ngại “quảng cáo” về gỗ của mình: gỗ khai thác từ rừng tự nhiên, nếu muốn mua với số lượng lớn thì khoảng 15 ngày sau quay lại sẽ có lứa gỗ mới với giá dao động từ 8 -10 triệu đồng/m3, tùy theo quy cách gỗ.

Ở xã Thượng Nhật, hầu hết số gỗ của các hộ có tên trong danh sách đều đã được đánh số nhảy (tức đánh số lũy tiếp từ hộ này sang hộ khác - theo giải thích của một cán bộ kiểm lâm địa bàn là cách đánh số này nhằm tiện quản lý).

Tận thu gỗ... lim rừng tự nhiên - 1
  

Ông chủ tịch xã Thượng Long đi kiểm tra số gỗ đã đóng
búa kiểm lâm sau khi được PV phản ánh.

Theo nhiều người dân có gỗ, trong đó có cả một trưởng thôn, số gỗ này đã được đánh số, tức đồng ý bán nên không thể bán cho chúng tôi. Những người này cũng khẳng định số gỗ này mang ra bên ngoài sẽ bị kiểm lâm thu giữ, cho nên nhân cơ hội này họ đem bán ngay dù giá rẻ hơn thị trường từ 1 - 2 triệu đồng.

Những người có gỗ tiết lộ: hiện nay ở rẫy không còn gỗ lóc lõi, gốc đe có quy cách tốt như số gỗ “lóc lõi” đã được đánh số nói trên. Có 2 nguyên nhân, một là hầu hết các rẫy ở đây đã được phát từ nhiều năm nay nên gỗ đã rũ mục và mới đây vào năm 2005 đã có một đợt tận thu tương tự ở khu vực này.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đi theo những con đường mòn dẫn lên núi, nơi có khu vực rừng tự nhiên của xã Thượng Nhật, Thượng Long (nơi có trữ lượng gỗ lim lớn trong hệ thống rừng tự nhiên của Thừa Thiên - Huế) và phát hiện nhiều dấu vết do việc kéo gỗ để lại. Trên rất nhiều phách gỗ của các hộ nói trên được đánh số cũng có đục lỗ để luồn dây thừng.

Một số người có tên trong danh sách không có mặt ở nhà do bận đi rừng. Được biết mỗi chuyến đi gói gọn trong một ngày, từ khoảng 4 - 5 giờ sáng tới tối mịt, mang theo cưa máy, dầu, thức ăn.... Theo một người dân thôn 8 xã Thượng Nhật, một người khỏe mạnh, quen nghề có thể khai thác được khoảng 1,5m3/ngày.

Ở xã Thượng Long, không ít hộ gia đình có gỗ đã được đóng búa kiểm lâm (tức chứng nhận nguồn gốc hợp pháp của số gỗ mà chính chủ gỗ thừa nhận là đốn từ rừng về) và một doanh nghiệp đã đặt cọc tiền cho nhiều gia đình, chỉ còn chờ ngày xuất gỗ.

Thế nhưng mãi đến khi PV phản ánh với đầy đủ bằng chứng, ông Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Phia mới nắm được tình hình và vội vàng đi tìm cán bộ nông lâm xã để tìm hiểu thực hư. Ông còn cho rằng, việc giám sát, phối hợp là trách nhiệm của xã còn đóng búa là trách nhiệm riêng của kiểm lâm nên ông không được biết.

Hồng Kỹ