1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

“Kho báu” bộ con dấu tiểu khu Hà Nội

(Dân trí) - Kho tạm của Bảo tàng Hà Nội là một dãy nhà cấp 4 cũ kỹ, khuất sâu trong ngõ chùa Hưng Ký. Để đến được đây, bộ 78 con dấu các tiểu khu Hà Nội xưa đã trải qua chặng đường tới mấy mươi năm khi “giở mình” đi lên thành phường, quận.

26 năm lưu kho

Hiện tại, vì chưa có nơi trưng bày, bộ 78 con dấu của các tiểu khu Hà Nội xưa đang được bảo quản trong kho lưu trữ của bảo tàng Hà Nội tại ngõ chùa Hưng Ký (phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng).

Kho lưu trữ này là một dãy nhà cấp 4 nằm lọt thỏm giữa một khu dân cư đông đúc. Là một khu đất khép kín, có tường rào bao quanh nên nhiều người dân sống xung quanh không hề biết họ đang sống chung với một “kho báu” ngay sát nách nhà mình.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó phòng kiểm kê, bảo quản Bảo tàng Hà Nội không giấu nổi ngạc nhiên và cứ liên hồi hỏi vì sao chúng tôi biết được câu chuyện những con dấu này mà tìm đến. Ngay cả cán bộ của Bảo tàng Hà Nội, không hẳn ai cũng biết tới sự tồn tại của bộ 78 con dấu tiểu khu Hà Nội xưa, đang nằm tại kho bảo tàng.

Hiện tại, Bảo tàng Hà Nội cũng chưa công bố việc phát hiện về bộ con dấu quý này. Nhưng theo bà Mai, để chuẩn bị cho ngày ra mắt công chúng, tất cả hồ sơ, lai lịch mỗi chiếc dấu đã được hoàn chỉnh từ lâu.

Tình cờ bộ con dấu quý được phát hiện vào năm 2007 nhân cuộc triển lãm về các thời kỳ lịch sử của Quốc hội. Vào thời điểm đó, Bảo tàng Hà Nội là đơn vị được giao nhiệm vụ đi sưu tập và trưng bày, các cán bộ phải lặn lội khắp nơi để tìm ra cho đủ số hiện vật liên quan đến chủ đề này. Việc tìm ra bộ dấu nằm ngoài dự kiến.

Một cán bộ Bảo tàng Hà Nội, người trực tiếp được cử đi sưu tầm kể lại: Khi chúng tôi đến Sở Nội vụ, bất ngờ một cán bộ tại đây thông báo về việc đang bảo quản con dấu của 78 tiểu khu Hà Nội xưa, đảm bảo nguyên vẹn nhưng nhìn thì xót quá vì cứ lăn lóc mãi.

“Khi chúng tôi tìm đến, bộ con dấu nằm một góc trong kho của Sở, lúc đưa ra còn vương dày bụi thời gian. Những con dấu bằng đồng cũ mèm qua thời gian còn hằn nguyên màu mực đỏ, có cái đã lên cả gỉ xanh xung quanh mép nhưng chúng tôi biết, đó là một “kho báu” của Hà Nội”.

Công sức là vậy, song qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết, sự vất vả ấy thật sự cũng chưa thấm tháp vào đâu, khi những cán bộ làm công tác sưu tập được trả “công tác phí” chưa đến 10 triệu đồng.

Là đơn vị “chưa có thu” nên khoản tiền “đột xuất, không nằm trong kế hoạch chi” này đối với Bảo tàng Hà Nội trở thành một bài toán hóc búa. Ngay khi đó, một nhà sưu tập tư nhân biết chuyện đã “ngã giá” để có thể biến bộ con dấu này thành của riêng mình.

Ban giám đốc Bảo tàng Hà Nội đã quyết định bằng mọi giá phải đưa bộ con dấu về Bảo tàng Hà Nội. Nếu không phải vì trách nhiệm công việc và lương tâm nghề nghiệp của những cán bộ nơi đây, có lẽ, trong những gian trưng bày của Bảo tàng Hà Nội (dự định sẽ hoàn thiện vào năm 2010) sẽ thiếu hẳn một trong những bộ hiện vật được đánh già là quan trọng bậc nhất.

Khi được chúng tôi cho xem những bức ảnh về bộ dấu này, một chuyên gia, cũng là một nhà sưu tập cổ vật đã khẳng định, cái giá của nó sẽ còn vượt rất xa con số 10 triệu đồng nếu rơi vào tay tư nhân và giới sưu tầm (!).

Bảo quản cũng nan giải

Trò chuyện với chúng tôi, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng tỏ ra rất bất ngờ trước thông tin Bảo tàng Hà Nội đã tìm được bộ con dấu của 78 tiểu khu Hà Nội xưa. “Cơ quan sở hữu (bộ 78 con dấu - PV) đang có một may mắn bởi họ được gìn giữ một giá trị to lớn của dân tộc.

Ngay từ khi lập nước, Thủ đô ta đã có một bộ dấu hoàn chỉnh như vậy chính là thông điệp khẳng định một thể chế đã được quản lý hoàn thiện khi đặt trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Điều này thể hiện tính nghiêm túc, hợp pháp của nhà nước ta. Cá nhân tôi rất đỗi vui mừng khi được nghe câu chuyện này”.

“Con dấu với công năng là một ký hiệu để xác định chức năng quản lý xã hội và một số chức năng khác không xa lạ với nước ngoài nên việc họ sưu tập đã tồn tại từ lâu. Con dấu cũng đã được coi là đối tượng nghiên cứu quan trọng của nhiều ngành khoa học xã hội. Bộ môn ấn triện học vẫn đang ngày càng phát triển để cho xã hội một cái nhìn định vị về không gian và thời gian”, ông Quốc nói.

Tuy nhiên, một điều khiến người viết không khỏi băn khoăn: đó đều là những con dấu chuẩn 100%, liệu rằng, có thể trong chút bất cẩn nào đó những con dấu này rơi vào tay kẻ xấu và “gây họa”?

Ông Dương Trung Quốc cũng có cùng chia sẻ: “Về chuyện từ trước đến nay chính quyền có làm việc lưu giữ lại con dấu hay không thì tôi vẫn chưa rõ. Nhưng nếu không thì quả là một điều khiếm khuyết.

Theo tôi được hiểu, con dấu Nhà nước có những nguyên tắc khắc riêng nên rất nguy hiểm khi rơi vào tay kẻ xấu. Cho nên, cùng với những thay đổi lớn phải có những công việc cụ thể để hướng dẫn việc lưu giữ hoặc hủy bỏ…”. 

Theo cuốn Sử liệu Hà Nội: 22/11/1945, Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định Hà Nội gồm 5 khu phố nội thành. Giai đoạn 1945 - 1946: Chia Hà Nội thành 17 khu phố nội thành.

 

Năm 1954 khi tiếp quản, Hà Nội gồm 4 quận nội thành (34 khu phố, 37.000 dân) và 4 quận ngoại thành (45 xã, 16.000 dân) với diện tích 152 km. Tháng 3/1958: chính quyền thành phố bỏ 4 quận nội thành, thay bằng 12 khu phố: Hoàn Kiếm, Hàng Cỏ, Hai Bà Trưng, Hàng Bông, Cửa Đông, Hàng Đào, Trúc Bạch, Văn Miếu, Ba Đình, Bạch Mai, Bảy Mẫu, Ô Chợ Dừa.

 

21/12/1974, chính quyền thành lập các tiểu khu ở các khu nội thành, thay thế cho khối dân phố. 12/1978: Sắp xếp lại các tiểu khu: khu Hoàn Kiếm có 18 tiểu khu, khu Ba Đình có 15 tiểu khu, khu Đống Đa có 23 tiểu khu, khu Hai Bà Trưng có 22 tiểu khu, tổng cộng là 78 tiểu khu.

 

Đến tháng 6/1981 đổi khu thành quận và tiểu khu thành phường nên 78 con dấu này đã được thu lại từ đó cho đến nay.

Phúc Hưng