1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khi tài xế xe buýt... buồn ngủ

“Đừng bất ngờ nếu cùng một tài xế, tiếp viên nhưng buổi sáng họ niềm nở, buổi chiều lại cáu gắt...” - chủ nhiệm một hợp tác xã vận tải nói như vậy về tài xế và tiếp viên xe buýt. Nguyên nhân được lý giải do cường độ công việc quá cao!

Một ngày làm việc 14-16 tiếng

 

Một ngày của anh Thọ - tài xế xe buýt chạy tuyến bến xe Q.8 - Thủ Đức (TPHCM) - bắt đầu lúc 3h30. Dậy, làm vệ sinh cá nhân thật nhanh, anh vội vàng chạy xe máy đến gần ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình). Tại đây anh nhận xe buýt rồi lái đến bến xe Q.8 để xuất bến. 4h30, khi trời còn mờ mịt tối thì bến xe Q.8 đã bắt đầu rộn rịp những tài xế, tiếp viên xe buýt lúi húi chuẩn bị công việc của ngày mới. Anh Thọ tấp xe vào chỗ trống gần cổng, chờ đến đợt xuất bến đầu tiên.

 

Đúng mười phút sau, xe buýt biển số 53N-342… của anh Thọ chuyển bánh. Bắt đầu chuyến xe đầu tiên của ngày mới: tay cầm vôlăng, nhấn còi; mắt chăm chú nhìn đường, nhìn trạm, nhìn khách; tai lắng nghe yêu cầu của khách, của tiếp viên… Cứ thế miệt mài suốt hơn 30 km lộ trình.

 

6h20, bắt đầu chuyến thứ hai từ Thủ Đức về bến xe Q.8. Chỉ qua vài trạm xe đã đầy người. Đến trạm dừng trước Đại học Sư phạm kỹ thuật, cửa xe vừa mở, chừng 20 khách cùng lúc ùa lên. Thoáng chốc chiếc xe rộng thênh trở nên chật chội. Khách đứng chen nhau chật cứng giữa lối đi, lấn cả về phía tài xế. Chật vật lắm chị tiếp viên tên Hoa mới chen được về phía những người mới lên để bán vé. Tay xé vé, tay cầm tiền, miệng chị không ngớt giục giã: “Ai chưa có vé thì mua lẹ nha”. “Anh ơi, đứng nép vào một chút”. “Tới chợ Thủ Đức rồi, có ai xuống không?”…

 

Không khí càng lúc càng ngột ngạt, nóng bức dù xe được trang bị máy lạnh. Mùi mồ hôi, mùi xăng quyện với tiếng trò chuyện, tiếng cáu gắt cùng những cú lắc lư của xe… khiến một người khỏe cũng cảm thấy mệt mỏi. Đến gần trạm nhà thi đấu Quân khu 7, xe vừa chớm trờ vào đón khách thì những người trên xe lập tức nhao nhao phản đối: “Xe đầy quá còn chỗ đâu mà đón khách nữa, tham vừa thôi...”.

 

18h30, từ bến xe Q.8, xe bắt đầu chuyến thứ bảy - chuyến cuối. Vẻ uể oải hiện rõ trên nét mặt cũng như cử chỉ của tài xế, tiếp viên. Ít nhất năm lần chúng tôi thấy anh Thọ đưa tay che miệng để... ngáp.

 

Còn chị Hoa thỉnh thoảng lại dựa người vào ghế tranh thủ chợp mắt. Xe đang chạy trên đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức, TPHCM), bỗng tiếng một hành khách vang lên từ hàng ghế cuối: “Trời ơi, tôi đã dặn tiếp viên đến chợ Thủ Đức nhắc tôi mà sao không nhắc, làm lỡ trạm rồi”. Thì ra vị khách này ngủ quên nên qua trạm cần xuống mà không biết. Chị Hoa giật mình, luống cuống chạy xuống cuối xe xin lỗi khách. Người khách sau một hồi hạch sách mới chịu nhận lại tiền vé từ tiếp viên để xuống đón xe quay ngược lại.

 

Xe đến làng đại học Thủ Đức lúc 20h20. Từ đây, anh Thọ, chị Hoa tiếp tục quay xe lại ngã tư Bảy Hiền để lau chùi, bàn giao xe rồi mới ra về. Về nhà, ăn uống, tắm rửa... sớm lắm đến 22h họ mới có thể chợp mắt.

 

Chất lượng phục vụ giảm

 

Làm việc 14-16 tiếng/ngày trong một môi trường luôn di chuyển và nhiều tiếng ồn đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ hành khách của các tài xế, tiếp viên. Không ít cuộc xung đột, xích mích với hành khách bắt nguồn từ đó.

 

Nhân viên xe buýt còn phải chịu sự giám sát cùng những biện pháp chế tài nghiêm khắc từ các cấp quản lý. Anh Vương, tiếp viên tuyến bến xe Chợ Lớn - Thủ Đức, bức xúc: “Không đeo bảng tên, đón trả khách không đúng trạm, có thái độ không tốt với khách... thì chúng tôi chấp nhận bị phạt. Nhưng nhiều khách lên xe cùng một lúc, tiếp viên chưa kịp xé vé cũng bị phạt. Xe quá đầy không thể đón khách, về bến trễ do kẹt xe cũng phạt... Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng phạt, về đến hợp tác xã lại phạt tiếp, phạt chồng lên phạt. Giải thích thì cấp quản lý chỉ phán một câu: đó là qui định”.

 

Bên cạnh đó, phần nhiều tài xế, tiếp viên xe buýt hiện nay làm việc dưới hình thức chạy được chuyến nào nhận tiền chuyến đó, không hợp đồng lao động, không chế độ bảo hiểm - đồng nghĩa với việc đau ốm tự lo và “không biết ra sao ngày sau”. Điều này dẫn đến không có sự ràng buộc, gắn kết lâu dài giữa nhân viên xe buýt với cấp quản lý cũng như với chính công việc của họ. Do vậy việc đòi hỏi họ hết mình và nhiệt tâm trong phục vụ hành khách là rất khó.

 

Ông Phùng Đăng Hải - tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TPHCM - cho rằng rất khó ký hợp đồng lao động với các tài xế, tiếp viên bởi nhiều người trong số họ làm việc không ổn định. Ông Hải cũng khẳng định: “Việc các tài xế, tiếp viên làm việc nhiều là do họ tự nguyện. Vì với cách khoán 20.000 đồng/chuyến đối với tài xế và 10.000 đồng/chuyến đối với tiếp viên thì càng chạy nhiều chuyến họ càng kiếm được nhiều tiền”.

 

Như vậy việc nhân viên, tài xế sẵn sàng làm quá sức để kiếm tiền cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều cần nói hơn là chất lượng phục vụ hành khách sẽ giảm, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động vận tải công cộng của TP. Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân của hàng loạt vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe buýt trong thời gian gần đây.

 

Theo Phương Thanh
Tuổi Trẻ