1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khỉ Sơn Trà thành "kẻ ăn xin, cướp giật": Chần chừ sẽ khó bảo vệ đàn khỉ

Hoài Sơn

(Dân trí) - Tình trạng cho khỉ ăn đã trở thành vấn đề nan giải trong nhiều năm qua ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) và những ngày qua vấn đề này lại được nhiều người quan tâm.

Theo ghi nhận, khu vực miếu Đôi dưới chân bán đảo Sơn Trà là nơi có số lượng khỉ vàng khá lớn. Từ khoảng 16h, đàn khỉ này thường kéo xuống, một số tràn ra đường Lê Văn Lương.

Một bộ phận người dân tập trung ngắm khỉ và cho khỉ ăn trái cây, bánh, kẹo… Không chỉ tại khu vực trên, hình ảnh này còn xuất hiện tại nhiều điểm trên bán đảo Sơn Trà như: khuôn viên chùa Linh Ứng, trước khu nghỉ dưỡng InterContinental.

Khỉ Sơn Trà thành kẻ ăn xin, cướp giật: Chần chừ sẽ khó bảo vệ đàn khỉ - 1

Dù đã có bảng tuyên truyền "không cho động vật hoang dã ăn" nhưng một số người dân, du khách vẫn không để ý (Ảnh: Hoài Sơn).

Có vị trí cả một đàn khỉ chuyên "cướp giật" thức ăn để trên xe. Thậm chí 3-4 cá thể vây, giật thức ăn ngay trên tay du khách.

Đây là hệ lụy của việc du khách thường xuyên cho các đàn khỉ ăn làm loài vật này thay đổi thói quen sinh hoạt, môi trường kiếm ăn. Từ việc tìm kiếm thức ăn tự nhiên trong rừng, giờ đây khỉ chỉ chờ đợi người mang đến cho ăn hoặc "cướp" thức ăn từ du khách.

Theo quan sát, dù Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đã cắm biển lưu ý du khách với nhiều ngôn ngữ, kích thước khác nhau, cùng một thông điệp không cho động vật hoang dã ăn, nhưng nhiều người vẫn không chú ý.

Khỉ Sơn Trà thành kẻ ăn xin, cướp giật: Chần chừ sẽ khó bảo vệ đàn khỉ - 2

Một cá thể khỉ lục cốp xe của du khách tại chùa Linh Ứng (Ảnh: Hoài Sơn).

Không chỉ cho khỉ ăn, một số du khách còn vứt rác không đúng nơi quy định để khỉ nhặt ăn, uống nước. Điều đáng nói khi uống xong chúng lại ném chai vương vãi trong sân chùa, bìa rừng làm mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

Chị Thanh Ngọc Trúc, một tình nguyện viên có kinh nghiệm nhiều năm theo dấu loài khỉ vàng tại bán đảo Sơn Trà, cho hay theo quan sát, khỉ con ở bán đảo Sơn Trà đã bắt đầu thay đổi tập tính khi theo mẹ xuống đường để chờ được cho ăn. Nếu cơ quan chức năng vẫn chần chừ trong việc nghiên cứu thì "thời gian vàng" bảo vệ đàn khỉ sẽ qua.

Chị Trúc kiến nghị, cần bắt tay vào nghiên cứu việc lập tổ tuần tra, xử phạt tình trạng cho khỉ ăn trên bán đảo Sơn Trà để có tính răn đe. Việc này có thể tạo ra một sự tuyên truyền mạnh từ chính các du khách khi đến với Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, chị Trúc cũng kiến nghị cần giám sát và quản lý chặt chẽ hơn nữa tình trạng du khách vô tư vứt rác để khỉ nhặt ăn; bởi việc này tạo nên hình ảnh không đẹp trên bán đảo Sơn Trà cũng như hoạt động du lịch sinh thái ở đây.

Khỉ Sơn Trà thành kẻ ăn xin, cướp giật: Chần chừ sẽ khó bảo vệ đàn khỉ - 3

Để khỉ lấy thức ăn trên tay trẻ em sẽ rất nguy hiểm (Ảnh: Hoài Sơn).

Về vấn đề trên, theo ông Phan Minh Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, đơn vị thường xuyên cử nhân viên nhắc nhở du khách tại các tuyến đường hay gửi văn bản đến các công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, địa phương, trường học để tăng cường tuyên truyền.

Song song đó, ban phối hợp với lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, nhắc nhở người dân và du khách không cho động vật hoang dã ăn trái cây và thức ăn đóng gói sẵn khi tham quan.

Đối với ý kiến cho rằng nên có chế tài xử lý những trường hợp cho khỉ ăn, ông Phan Minh Hải cho hay, các nghị định, thông tư liên quan hiện hành về bảo vệ động vật hoang dã chỉ đề cập việc xử lý các hành vi về ngược đãi, săn bắt động vật hoang dã.

Việc cho khỉ ăn không nằm trong nhóm hành vi này. Do đó hiện chỉ có thể nhắc nhở, tuyên truyền với du khách chứ không thể áp dụng xử phạt và về lâu dài cần giải pháp căn cơ để dứt điểm tình trạng này.

Thành phố Đà Nẵng đang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đề án đánh giá cụ thể các loài linh trưởng trên bán đảo Sơn Trà. Thông qua đề án này, các chuyên gia sẽ đưa ra giải pháp trong việc bảo vệ loài khỉ ở Sơn Trà.