1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ô nhiễm tại các khu công nghiệp Đà Nẵng:

Khi nộp phạt rẻ hơn chi phí xử lý môi trường!

(Dân trí) - Là một thành phố trọng điểm của miền Trung, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế; trong những năm qua, Đà Nẵng đã đón nhận nhiều làn gió đầu tư. Cùng đó là sự ra đời của hàng loạt khu công nghiệp, và vấn đề ô nhiễm môi trường cũng ngày càng trầm trọng.

Theo quy định, các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp bắt buộc phải có hệ thống xử lý nước thải, khói bụi ngay tại nhà máy sản xuất. Nhưng trong thực tế, rất ít doanh nghiệp thực hiện đúng điều này.

 

Theo thống kê, hiện nay chỉ duy nhất Khu công nghiệp Hoà Khánh có hệ thống xử lý nước thải, nhưng bản thân hệ thống này cũng đang “có vấn đề”. Thế nên phần lớn các nhà máy trong khu công nghiệp này chỉ xử lý sơ bộ nước thải rồi lại đổ thẳng ra hồ Bàu Tràm, sông Cu Đê,...

 

Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND TP Đà Nẵng) mới đây, Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng cho biết: Kết quả đo đạc của Sở tại 9 lò nấu luyện phôi thép trong KCN Hòa Khánh cho thấy, nồng độ các chất ô nhiễm vượt tiêu chuẩn rất nhiều lần so với quy định của Bộ Y tế về nồng độ giới hạn cho phép các chất độc hại trong không khí ở cơ sở sản xuất. Trong đó, khí CO vượt 67-100 lần, đặc biệt hơi chì vượt tới... 65.500 lần.

 

Những người dân sống gần Nhà máy thép Đà Nẵng và Nhà máy xi măng Hải Vân (Khu công nghiệp Liên Chiểu) cho hay, họ phải cùng ăn, cùng ngủ với khói bụi xi măng; cùng thở với khói của nhà máy thép.

 

Một người dân tên Thái Thanh Hùng than thở: “Chúng tôi đã không ít lần viết đơn kiến nghị  lên các cấp nhưng rốt cuộc cũng vẫn thế. Chỉ có nước bán nhà chuyển đi nơi khác thì hoạ may mới yên ổn được”.

 

Khu công nghiệp Dịch vụ thuỷ sản Thọ Quang cũng là một trong những “KCN hành dân”. Dù mới chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản hoạt động nhưng lượng nước thải của KCN này ước tính đã lên đến 1.000m3/ngày đêm. Do khu công nghiệp chưa xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng nên nước thải chảy chung với hệ thống thoát nước mưa và thải trực tiếp vào Âu thuyền Thọ Quang. Hệ quả là mặt nước ở Âu thuyền Thọ Quang luôn lềnh bềnh rác rưởi và bốc mùi hôi thối nồng nặc.

 

Sở Tài nguyên - Môi  trường cho biết: Qua khảo sát, nước thải ở đây đã bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng. Nồng độ BOD5 vượt hơn 12 lần, COD vượt hơn 10 lần, tổng Nitơ vượt hơn 2 lần, lượng coliform vượt 1,5 lần… Nghiêm trọng hơn, khu công nghiệp này lại nằm trong vùng “nhạy  cảm”, lọt thỏm giữa khu dân cư và gần khu du lịch…

 

Trong vòng 5 năm trở lại đây, chính quyền thành phố đã nhiều lần ra quyết định xử phạt các đơn vị doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Hay như mới đây thôi, UBND thành phố đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Phong Nha với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng - một mức xử phạt nặng nhất dành cho doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn từ trước đến nay. Nhưng xem ra chuyện doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường rất khó “cải tạo”.

 

Phát triển kinh tế đi đôi với việc bảo vệ môi trường là một bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp. Đầu tư cho việc bảo vệ môi trường rõ ràng là rất tốn kém. Rõ ràng đối với các doanh nghiệp này, việc nộp tiền phạt còn “rẻ” hơn nhiều!

 

Lê Tấn Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm