1. Dòng sự kiện:
  2. Quốc hội họp bất thường lần thứ 9
  3. Metro số 1 TPHCM

Khi là mẹ của người khuyết tật…

(Dân trí) - Nếu người mẹ bình thường chịu khó, thương con, kiên trì một thì với mẹ của người khuyết tật, những từ này phải được nhân lên hàng ngàn lần… Buổi sáng 13/5, trên 40 bà mẹ và người khuyết tật đã gặp và chia sẻ tình cảm, tâm sự với nhau trong “Ngày của mẹ” ở Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM).

Sống như con để biết con cần gì

 

Minh Hội 17 tuổi nhưng hình hài vẫn là một cậu nhóc với căn bệnh giòn xương, té là gãy. Chị Thu Hương thử sống như con: Ba ngày không tắm, co một chân lại khi đi và trốn lên gác xép. Hiểu nỗi khổ của con, chị thủ thỉ với chồng: “Mình sẽ không bao giờ mua một đôi dép cho con, mà phải mua hai đôi và kết hai chiếc thành một dép”. Vì Hội chân thấp chân cao nên phải đi đôi dép đặc biệt này.

 

Con có blog, mẹ lên xem. Biết con thích ăn chè, hôm sau chị nấu một nồi thật to. Đó là bữa chè hiếm hoi trong 5 năm trời bởi chị biết rằng, con mình ăn nhiều chất đường sẽ không tốt.

 

11 lần bán nhà chữa bệnh cho con, từ quận Bình Thạnh, chị về ở tận phía sau bãi rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (ngoại thành TPHCM). Chị nói với con rằng: “Rác tái chế thì vẫn có ích. Thế gian được xây dựng từ những gì có vẻ tầm thường ấy”.

 

Để con sống hết mình với ước mơ

 

Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Thị Oanh trong buổi gặp mặt rất hoan nghênh tinh thần các bà mẹ đã cho con mình ra đời, sống với đời. Cô cho biết có một số mẹ thay vì để con sống tự lập đã úm con lại.

 

Anh Văn Trường bị tật ở chân, tốt nghiệp loại giỏi Đại học Bách khoa ngành Viễn thông, kể về mình: “Ngày còn nhỏ, có lúc mẹ không cho tôi ra ngoài. Nhưng các mẹ hãy cho chúng con sống hết mình, giúp chúng con ra ngoài cuộc sống. Và xã hội hãy cho chúng tôi cần câu cá chứ không là con cá”.

 

Khi là mẹ của người khuyết tật… - 1
 Thanh Vân (áo hồng) và mẹ.

 

Được tuyển thẳng vào Đại học Mỹ thuật TPHCM, Vân muốn có xe để đi học một mình. Mẹ lo cho con gặp nguy hiểm vì Vân khiếm thính nhưng em bảo: Con lớn rồi và tự lo được.

 

Thuỷ Tiên là học sinh khiếm thính đầu tiên thi đậu đại học. Hầu hết thời gian em sống với các bạn khiếm thính. Cuối tuần Tiên mới về nhà gặp bố mẹ.

 

Chị Diệu Trinh bị tật ở chân, là nghệ nhân thêu tay nổi tiếng cũng nhờ mẹ đã để cho chị tự lập, làm những gì chị thích. Anh Trần Văn Lai, khiếm thị, mới 9 tuổi đã xa mẹ lên TPHCM học chữ. Sau mấy năm trời học, đem con chữ về cho mẹ, mẹ cầm đem khoe cho hàng xóm.

 

Chị Thu Hương nhắn nhủ: “17 năm con tôi ở trong nhà, tôi biết giấc mơ quan trọng lắm. Hãy cho con mình một ước mơ. Con bị tật, chỉ là thiệt thòi về thể xác. Tinh thần còn rất đẹp và phải nuôi dưỡng ước mơ. Nếu có thể các bà mẹ hãy ước mơ cùng với con trẻ”.

 

Em Hội kể rằng: Mẹ cứ rình thấy con có ước muốn thì tìm cách thực hiện. Cách nói chuyện của Hội đầy tự tin: “Nếu không vào đại học được thì sao không lập công ty của riêng mình nhỉ?” Minh Hội còn mơ làm báo với ước muốn lập thông tấn xã Con kiến lửa cạnh tranh với các nhà báo.

 

Sẽ không rời mẹ đâu

 

Khi là mẹ của người khuyết tật… - 2

Hiệp sĩ CNTT Phạm Anh Tuấn và cô Nguyễn Thị Oanh, thạc sĩ Xã hội học.

 

Mẹ của Thanh Vân khi biết con bệnh đã bỏ dạy, tìm mọi cách chữa bệnh cho con. Rồi cô lập ra lớp học cho trẻ khiếm thính. Nói về mẹ, Vân bảo: “Sẽ không rời bỏ mẹ đâu”.

 

Minh Hội kể: “Mẹ đã cho em sự sống và duy trì sự sống. Nếu không có mẹ thì sự tồn tại của em rất khó khăn. Nhưng mai kia mẹ có khi không gần nữa. Em đang tự làm một số việc”.

 

Hiệp sĩ công nghệ thông tin Phạm Anh Tuấn tâm sự: “Có là tiến sĩ đi nữa thì trong lòng mẹ, tôi vẫn là đứa trẻ lên ba”.

 

Trong giây phút ngặt nghèo của cuộc đời, chính câu nói của mẹ đã giúp chị Phạm Thị Nhí tìm lại niềm tin vào sự sống: “Con chó kia cũng còn muốn sống. Con không lành lặn thì mẹ nuôi suốt đời. Có sao đâu”. Từ bỏ ý định tự tử, chị Nhí về quê tìm việc. Hiện chị Phạm Thị Nhí đang công tác tại Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tại Làng Hoà Bình, bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM).

 

Hiếu Hiền