1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Khi đàn voi nổi giận

(Dân trí) - Thật đau lòng khi nghe trong tiếng khóc chồng, khóc cha đầy đau thương lại có thêm lời oán trách: chỉ vì miếng cơm manh áo mà phải vào rừng làm thuê kiếm sống để rồi thiệt mạng khi voi rừng nổi giận.

Voi rừng về tàn phá mía của dân ở bản Cao Vều, xã Phúc Sơn, Anh Sơn, Nghệ An.
Voi rừng về tàn phá mía của dân ở bản Cao Vều, xã Phúc Sơn, Anh Sơn, Nghệ An.

Hôm nay chị Vị Thị Lợi (ở bản Liên Sơn,Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An) lại thêm một ngày gánh nặng. Những công việc này thường ngày là việc của người đàn ông, của người chồng, người chủ gia đình “sức dài vai rộng”. Nhưng 3 năm nay, những công việc này lại đè nặng lên đôi vai chị. Vì chồng chị, anh Vi Văn Sinh đã vĩnh viễn ra đi khi bị đàn voi dữ quật chết, để lại cho chị một đàn con dại.

Đã hơn 3 năm nay, chị Vi Thị Lợi vẫn chưa hết bàng hoàng, khiếp sợ khi nghĩ đến cái chết đau đớn của chồngVào tháng 5 năm 2011, vợ chồng anh chị và 3 người dân trong bản Liên Sơn xuống làm thuê tại khu vực Cầu Ván, thuộc bãi Cồi, bản Cao Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An.

Đàn voi tàn phá mía.
Đàn voi tàn phá mía.

Đêm 27/5/2011, trong lúc anh chị đang ngủ say thì đàn voi rừng 3 - 4 con hung dữ vào phá lán trại và quật anh Vi Văn Sinh chết ngay tại chỗ.

Thật đau lòng khi nghe trong tiếng khóc chồng, khóc cha đầy đau thương lại có thêm lời oán trách chỉ vì miếng cơm manh áo mà phải vào rừng làm thuê kiếm sống để rồi thiệt mạng khi voi rừng nổi giận.

Những con voi rừng hung hăng phá hoa màu của dân khi người dân xoa đuổi nó.
Những con voi rừng hung hăng phá hoa màu của dân khi người dân xoa đuổi nó.

May mắn hơn gia đình chị Lợi, anh Vi Văn Ba (ở bản Liên Sơn, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông) là người từ cõi chết trở về trong đêm kinh hoàng 27/5/2011. Hôm đó một đàn voi vào phá lán trại, anh Ba đã chạy trốn được nhưng cũng bị xây xát toàn thân, lần chết hụt đó giờ nghĩ lại anh vẫn còn khiếp đảm.

Anh Trần Văn Thân (ở thôn Bãi Đá, xã Phúc Sơn) trong một lần lên rừng đốn củi, thấy đàn voi xuất hiện phá hoại hoa màu, anh cùng với bà con nhân dân đã sử dụng các biện pháp truyền thống để xua đuổi nhưng không ngờ đàn voi đã quay lại tấn công.

Trong lúc bỏ chạy anh Thân đã bị voi dùng ngà húc gãy hai chân và quật gãy 5 xương sườn phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Anh Thân kể lại: “Từ khi bị voi quật đến nay hằng đêm ngủ tôi vẫn hay bị giật mình. Cứ ám ảnh lấy đàn voi hôm đó vì nó húc làm tôi bị gãy hết xương, giờ bản thân không làm được gì nữa. Thiết nghị các cấp chính quyền cần có phương án quản lý đàn voi để nhân dân chúng tôi được an tâm làm ăn sản xuất, chứ cứ vào rừng, vào rẫy làm là lại lo voi đến phá”, anh Thân buồn bã nhớ lại ngày mình bị voi quật suýt chết.

Người dân bản Cao Vều cho biết, từ năm 2009 trở về trước, khi Nhà nước chưa quy hoạch trồng cây Công nghiệp tại khu vực bản Vều thì mỗi năm đàn voi chỉ xuất hiện một đến hai lần. Nhưng những năm gần đây khi dự án quy hoạch trồng cây Cao su thực hiện thì đàn voi lại xuất hiện liên tục, trong năm 2013 và đầu năm 2014 có những tháng đàn voi xuất hiện hàng chục lần phá hoại hoa màu của người dân, điều đáng lo ngại nhất là đàn voi ngày càng trở nên lỳ lợm và hung dữ hơn, có thể tấn công người bất cứ lúc nào.

Đàn voi rừng ra phá hoa màu, người dân chỉ biết đứng nhìn không thể xua đuổi nó.
Đàn voi rừng ra phá hoa màu, người dân chỉ biết đứng nhìn không thể xua đuổi nó.

Qua nhiều lần mai phục chúng tôi mới quay lại được đàn voi rừng 6 con hung dữ, đang tàn phá hơn 11ha mía tại vùng Bãi Gon của nhân dân bản Vều 3 vào ngày 6/3/2014. Mặc dù nhân dân nơi đây đã dùng các biện pháp truyền thống như đốt lửa, dùng xoong nồi đánh gõ để xua đuổi, nhưng đàn voi lại càng hung dữ, điên cuồng phá phách, thậm chí còn quay lại quật cả lửa.

Ông Lương Văn Kim, Bản Vều 3 cho biết sự hung dữ của đàn voi này: “Hôm đó vào khoảng 1 giờ sáng đàn voi rừng kéo về rống lên tràn vào làng bản để phá hoại hoa màu của chúng tôi. Qua một đêm nó đã phá nát gần 11ha mía của bà con. Cứ nghĩ như trước đây, chỉ cần đốt lửa, dùng xoong nồi đánh thì chúng bỏ đi, mặc dù đã dùng các biện pháp truyền thống để đuổi nhưng nó rất lỳ, không chịu đi mà còn đuổi người để tấn công...”.

Tìm hiểu về nguyên nhân tại sao đàn voi rừng ngày càng trở nên hung giữ và xuất hiện nhiều hơn, các cơ quan chức năng đều có chung nhận định: Do tác động của con người ngày càng lớn, diện tích rừng ngày càng bị tàn phá nên môi trường sống của đàn voi cũng bị thu hẹp. Những cánh rừng đặc dụng và phòng hộ vốn ít ỏi đang dần bị thay thế bởi cây công nghiệp cao su. Điều đó làm cho voi rừng bị cô lập, không có thức ăn, nên voi xuất hiện liên tục, không theo quy luật nào.

Ban đêm chúng có thể về tận nhà dân để tìm muối, ăn măng, ăn mía. Nếu gặp người, chúng sẵn sàng nổi giận, quật chết. Đây là khu vực thuộc vùng đệm của vườn Quốc gia Pù Mát, nhưng đàn voi này chưa có cơ quan chức năng nào quản lý nên tự do phá hoại hoa màu và uy hiếp tính mạng của nhân dân.

Ông Trần Xuân Cường - Phó Giám đốc vườn Quốc gia Pù Mát - cho biết: “Sau tết nguyên đán năm 2011 người dân và địa phương phát hiện 01 cá thể voi đực trưởng thành bị bắn chết lấy ngà nên có thể gây mất cân bằng sinh lý của đàn voi. Nguyên nhân thứ 2 là vùng hoạt động của voi bị thu hẹp bởi Nhà nước quy hoạch trồng cây công nghiệp, vùng kiếm ăn không còn nên voi ra phá hoại hoa màu của nhân dân và đã có sự xung đột giữa voi và người...”.

Theo "Báo cáo đánh giá hiện trạng voi châu Á và xung đột voi và người tại Vườn quốc gia Pù Mát", từ 1995 đến nay đã có ít nhất 9 con voi về tàn phá hoa màu, mùa màng gần khu vực rừng Cao Vều bị giết chết và voi cũng đã quật chết 2 người làm bị thương 2 người, hàng trăm héc ta hoa màu và nhiều tài sản của người dân bị phá hoại.

Loài voi được đánh giá là loài vật thông minh có khả năng nhớ dai và trả thù khi bị săn lùng ráo riết hoặc bị quấy rầy vùng sinh sống của chúng, khi đó voi sẽ hung dữ thêm, người đi rừng sẽ gặp nguy hiểm có khi ảnh hưởng đến tính mạng. Để bảo vệ tính mạng cho người dân và bảo tồn được loài động vật quý hiện này, chính quyền địa phương huyện Anh đã nhiều lần kiến nghị để các nhàng chức năng giải quyết.

Đàn voi rừng ra phá hoa màu, người dân chỉ biết đứng nhìn không thể xua đuổi nó.
Hiện trường một vụ giết voi rừng vào ngày 26/3/2011 tại địa bàn xã Phúc Sơn, Anh Sơn, Nghệ An. 

Ông Nguyễn Công Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn - cho biết, đàn voi rừng sinh sống trong vùng này từ rất lâu, những năm trước đây nguồn thức ăn nhiều nên voi rất hiền. Còn hiện nay do thu hẹp diện tích làm hết nguồn thức năm nên hàng năm voi ra rất nhiều lần để phá hoại hoa màu và tấn công người. Chúng tôi đã kiến nghị lên TW, tỉnh để có hướng giải quyết vừa bảo vệ được voi, vừa bảo vệ được người...”.

Để bảo vệ đàn voi rừng và an toàn tính mạng cho nhân dân, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, quy hoạch và phê duyệt dự án bảo tồn đàn voi rừng quý hiếm này. Đồng thời nghiên cứu cụ thể đặc điểm tình hình, môi trường sống của đàn voi gắn với việc tuyên truyền và vận động nhân dân sinh sống trong vùng tạo vành đai yên bình để voi sinh sống.

Đặng Dương - Nguyễn Duy