1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc:

“Khi có chuyện, cần công khai chất vấn ngay”

(Dân trí) - “Chúng ta đã có một đội ngũ chuyên trách từ trên xuống..., có phương tiện thông tin ngày càng hiệu quả, vậy thì khi xảy ra sự việc gì đó tại sao không chất vấn công khai qua phương tiện thông tin đại chúng để giải quyết ngay”, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nêu ý kiến.

Trong kì họp tới, Quốc hội sẽ cắt bỏ phần “khư khư” cầm giấy đọc giải trình 20 phút của các Bộ trưởng để tập trung nhiều hơn cho chất vấn. Ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả từ sự thay đổi này?

 

Cứ để thực tế diễn ra xem đã, bởi vì không có kịch bản nào mình có thể biết trước. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc giám sát thông qua hình thức chất vấn trong các kì họp có thể có tác động rất mạnh ở chỗ, đó là mối quan tâm của xã hội, nhưng nếu cứ đặt vấn đề chung chung như lâu nay thì rất khó có hiệu quả. Những vấn đề gì bức xúc đang diễn ra trong đời sống theo tôi nên giải quyết ngay tại chỗ như những hội nghị đầu bờ.

 

Cụ thể, việc giám sát và chất vẫn giữa hai kì họp bây giờ chúng ta đã có một đội ngũ chuyên trách từ trên xuống, có Ủy ban thường vụ Quốc hội, có cả văn phòng rất đồ sộ, có phương tiện thông tin ngày càng hiệu quả - vậy thì khi xảy ra sự việc gì đó tại sao không chất vấn công khai thông qua phương tiện thông tin đại chúng để giải quyết ngay.

 

Mỗi kì họp quốc hội ta bàn một vài việc lớn, nói đến nơi đến chốn, xới xáo đến tận cùng của vấn đề. Chẳng hạn, Bộ Bưu chính Viễn thông có vấn đề gì thì các đại biểu suy nghĩ trước để tập trung vào phản biện, chứ đừng theo kiểu ai cảm thấy có gì bức xúc thì nêu lên.

 

Chất vấn lâu nay vẫn nặng về “trình diễn” từ đó dẫn tới việc đối phó theo kiểu làm sao để né tránh, để có thể “thoát hiểm”. Điều đó không phải là mục tiêu của chúng ta… Đó là chưa kể việc bỏ đi hai mươi phút của mỗi Bộ trưởng thì thời lượng cũng không là bao nhiêu.

 

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, đại biểu Quốc hội khoá X cho rằng, chính các đại biểu chuyên trách lại là những người ít phát biểu ý kiến, ít chất vấn tại kì họp trước…

 

Tôi cho rằng hiện tượng này có thể giải thích bằng vấn đề… tâm lí. Thực tế, các đại biểu chuyên trách có diễn đàn của mình, đóng góp nhiều rồi, thậm chí có khi sản phẩm đưa ra ở Quốc hội chính là sản phẩm đã thông qua đóng góp của đại biểu chuyên trách trước rồi. Cho nên họ dành cơ hội cho người khác. Hơn nữa, chất lượng của phát biểu quan trọng hơn là chuyên trách hay không chuyên trách.

 

Thực tế, những người có chức trách lớn mới là những người ít phát biểu tại Quốc hội. Điều này tôi nghĩ cũng dễ hiểu, hoàn toàn không phải vấn đề trí tuệ hay vấn đề gì sâu xa mà thực chất là bị chi phối bởi những yếu tố như sự nể nang, dựa cậy lẫn nhau. Rõ ràng ở đây, tính lợi ích, tính thực dụng của họ rất cao. Hôm nay mình phê bình người kia nhưng ngày mai mình lại là người phụ thuộc họ. Cái đó ăn sâu vào tâm lí của những vị này.

 

Kì họp thường vụ Quốc hội vừa qua đã đặt ra vấn đề tỉ lệ đại biểu chuyên trách ít nhất phải đạt 40%, ông có cho là đủ?

 

Nếu được nhiều hơn nữa thì càng tốt. Nâng tỉ lệ đại biểu chuyên trách cũng là giải pháp để hạn chế bớt những quan chức quá nhiều chức trách, quá nhiều việc ngồi trong Quốc hội. Hiện tại chúng ta đang tồn tại một mâu thuẫn: một mặt cho rằng Quốc hội là một tổ chức rất quan trọng nên phải có nhiều người "quan trọng" nhưng cũng quên mất rằng, xã hội có sự phân công, mỗi người có sự quan trọng của mình, nếu phối hợp với tốt, đồng bộ thì mới tạo ra hiệu quả cao.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Cấn Cường - Phương Thảo (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm