"Khi cấp bách phải áp dụng biện pháp cảnh vệ ngay, không thể chờ ý kiến"

Hoài Thu

(Dân trí) - Bổ sung quy định cho phép Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ, theo Chủ tịch nước Tô Lâm, là cần thiết. Bởi trường hợp cấp bách phải áp dụng biện pháp cảnh vệ ngay.

Dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cảnh vệ được các đại biểu Quốc hội thảo luận trong phiên làm việc tổ chiều 24/5.

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Cảnh vệ, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng công tác cảnh vệ phải đảm bảo rất nhiều yêu cầu. Đầu tiên và quan trọng nhất là bảo đảm an ninh, an toàn cho lãnh đạo, đối tượng cảnh vệ. Bên cạnh đó, công tác cảnh vệ còn có ý nghĩa về lễ tân Nhà nước.

Dự thảo lần này đề xuất bổ sung quy định cho phép thuê lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cảnh vệ ở nước ngoài. Giải thích rõ hơn đề xuất này, Chủ tịch nước cho biết lực lượng cảnh vệ khi ra nước ngoài bảo vệ các lãnh đạo của đất nước theo luật chỉ có khoảng 10 người, rất tiết kiệm, nên rất khó khăn trong triển khai hoạt động.

Khi cấp bách phải áp dụng biện pháp cảnh vệ ngay, không thể chờ ý kiến - 1

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 24/5 (Ảnh: Hồng Phong).

"Anh em cảnh vệ triển khai hoạt động suốt ngày đêm, phải thức hết, không được ngủ. Lãnh đạo đi triển khai, dự tiệc, anh em phải đứng ngoài, về nhà có khi 21-22h đêm, chưa được ăn uống gì, rất vất vả", Chủ tịch nước nói. 

Vì vậy, thực tế ở nhiều nước phải thuê bảo vệ khách sạn để thực hiện công tác bảo vệ lãnh đạo và phát huy hiệu quả. 

Với lực lượng cảnh vệ trong nước, Chủ tịch nước ghi nhận lực lượng đã trưởng thành rất nhiều, luôn đảm bảo an toàn cho các lãnh đạo và không để xảy ra sự cố. Các nước cũng đánh giá rất cao công tác cảnh vệ của Việt Nam.

"Vừa rồi đón rất nhiều nguyên thủ quốc gia, họ dành rất nhiều tình cảm cho lực lượng cảnh vệ của ta. Tôi nhớ có Tổng thống khi về rồi lên đến nửa cầu thang máy bay, ông lại chạy xuống vì muốn chụp ảnh kỷ niệm, động viên anh em cảnh vệ", Chủ tịch nước kể.

Theo Chủ tịch nước, lãnh đạo nước ngoài đến thăm Việt Nam cũng rất cảm phục vì xã hội an toàn. "Họ tự do đi ăn phở, ăn bánh mì, ra công viên, bờ hồ hay đi cà phê vì rất an toàn", Chủ tịch nước đánh giá.

Về việc bổ sung quy định cho phép Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng chưa được quy định tại luật Cảnh vệ, theo Chủ tịch nước Tô Lâm, là cần thiết.

Theo ông, có những trường hợp cấp bách như khách quốc tế chỉ mấy ngày nữa sẽ vào Việt Nam hay lãnh đạo Đảng, Nhà nước muốn đi xuống những điểm nóng, phải áp dụng các biện pháp cảnh vệ ngay, không thể chờ xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Chỉ trong thời điểm như thế thôi còn sau lại trở về bình thường như quy định tại luật. Quy định đó phục vụ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu này", Chủ tịch nước Tô Lâm nói.

Khi cấp bách phải áp dụng biện pháp cảnh vệ ngay, không thể chờ ý kiến - 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (Ảnh: Trọng Quỳnh).

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu thực tế hiện nay, nhiều lực lượng ở địa phương như công an tỉnh, công an huyện, cũng tham gia hoạt động cảnh vệ theo yêu cầu của Bộ Công an. Ông Phương đề nghị đại biểu Quốc hội cho ý kiến thêm về việc này, để làm sao khi triển khai không gây khó khăn cho địa phương.

"Một sự kiện nào đó có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến, địa phương rất lo. Lo làm sao vừa bảo đảm nội dung, vừa bảo đảm an ninh, an toàn không chỉ về tính mạng, sức khỏe mà thậm chí làm sao đừng để người dân bức xúc, cố ý gây nguy hiểm", ông Phương nói.

Trong vấn đề phối hợp, phân công trách nhiệm, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên để Chính phủ quy định chi tiết, Bộ Công an hướng dẫn. Còn cảnh vệ chỉ tổ chức ở Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, không tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ đề xuất bổ sung một số đối tượng cảnh vệ, quy định cụ thể các biện pháp cảnh vệ, việc thuê nhân lực, phương tiện khi triển khai công tác cảnh vệ ở nước ngoài, giao Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng các biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cần thiết... 

Dự luật dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo quy trình một kỳ họp.