Khe hở đường sắt Cát Linh - Hà Đông không đảm bảo an toàn?
(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng khe hở giữa tàu và ke ga rộng không đảm bảo an toàn cho hành khách lên/xuống tàu Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết, việc bố trí hiện tại đã tính toán tới quá trình đoàn tàu di chuyển sẽ có lắc ngang, tránh đoàn tàu va chạm vào ke ga.
Ngày 20/5, Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bắt đầu “mở cửa” tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tại điểm ga La Khê, để người dân Thủ đô tham quan, hướng tới sự quen thuộc và thuận tiện hơn trong giai đoạn khai thác sau này. Trong quá trình tham quan, nhiều ý kiến đã được đưa ra, trong đó có không ít người cho rằng vẫn đang tồn tại những hạn chế, bất cập.
Trong đó đang chú ý nhất là lo ngại khe hở giữa tàu và ke ga rộng không đảm bảo an toàn cho khách/lên xuống tàu. Về góp ý này, Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết: “Đoàn tàu trong quá trình di chuyển sẽ có lắc ngang, để tránh đoàn tàu va chạm vào ke ga trong quá trình di chuyển thì phải bố trí khe hở giữa mép ngoài ke ga với phía ngoài toa xe của đoàn tàu”.
Theo Ban này, đối với dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, được Thiết kế và thi công theo quy chuẩn GB50157-2003 của Trung Quốc, khoảng cách giữa mép ngoài ke ga với phía ngoài toa xe là từ 80-100mm, đối với đoạn đường cong không được lớn hơn 180mm. Dự án được thiết kế và thi công đảm bảo đúng quy chuẩn.
“Do đoàn tàu chưa tiến hành đóng điện để căn chỉnh lại hệ thống thủy lực giảm xóc dẫn đến đoàn tàu có hiện tượng bị nghiêng ra phía ngoài ga nên nhìn thấy khe hở có rộng hơn so với yêu cầu. Sau khi đoàn tàu được đóng điện, căn chỉnh thủy lực sẽ đảm bảo đúng quy chuẩn thiết kế” - lãnh đại Ban Quản lý dự án Đường sắt khẳng định.
Để phục vụ cho người dân tham quan, nhà thầu thi công vẫn đang tiếp tục hoàn thiện lắp đặt lan can kính lối lên xuống cầu thang. Dự án vẫn đang trong quá trình thi công lắp đặt thiết bị, nên tại một số vị trí các bu lông mới được lắp định vị, để tiện cho việc căn chỉnh. Những tồn tại đều được Ban Quản lý dự án và Tư vấn kiểm tra, chỉ đạo hoàn thiện trong và sau thời gian tham quan đảm bảo chất lượng khi nghiệm thu đưa vào sử dụng chính thức.
Theo thiết kế, đoàn tàu chạy tốc độ tăng tốc tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác trung bình là 35 km/h, khoảng cách trung bình giữa các ga là 1,15 km. Thời gian giãn cách chạy tàu tối thiểu trong giai đoạn đầu là 6 phút, giai đoạn giữa là 4 phút và giai đoạn sau là 2-3 phút. Thời gian di chuyển tổng cộng 13 km từ đầu tuyến đến cuối tuyến vào khoảng 25,56 phút.
Được biết, trong ngày đầu tiên mở cửa, đã có tới 4.000 lượt người đến tham quan, hầu hết đều có nhận xét, đánh giá tốt về thiết kế của ga, đoàn tàu. Khu vực trông giữ xe máy miễn phí với sức chứa hơn 200 xe luôn kín chỗ.
Nói về thời gian mở cửa dự án là 1 tháng nhưng chỉ tham quan chủ yếu các ngày trong giờ hành chính, ngày nghỉ chỉ phục vụ thứ 7, không bao gồm chủ nhật, Ban Quản lý dự án Đường sắt cho hay, việc bố trí thời gian tham quan đã được nghiên cứ kỹ phù hợp với đặc điểm giao thông khu vực, trục lộ có lưu lượng giao thông cao để tránh ách tắc giao thông cho đoạn tuyến và khu vực, đồng thời tiếp tục được hoàn thiện, đảm bảo an toàn thi công, đảm bảo chất lượng công trình cũng như phục vụ được nhu cầu khi tham quan của người dân như vệ sinh, an ninh, hướng dẫn....
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư trên 18.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Tuyến đường dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Theo kế hoạch, tháng 10/2017 dự án sẽ chạy thử liên động toàn hệ thống và dự kiến quý II/2018 dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.
Châu Như Quỳnh