1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Khẩn trương ứng phó với cơn bão số 3

(Dân trí) - Đến cuối giờ chiều 18/8, tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi toàn bộ tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển vào khu vực trú bão. Trong khi đó, ở Ninh Bình, người dân đã ra sức chằng, chống nhà cửa trước giờ bão đổ bộ...

Ninh Bình: Người dân chằng chống nhà cửa trước giờ bão đổ bộ

Để đối phó với cơn bão số 3 với sức gió mạnh cấp 13 – 14, người dân huyện ven biển Kim Sơn (Ninh Bình) đang gấp rút khẩn trương công tác phòng chống bão.

Ghi nhận của PV Dân trí, đến chiều tối 18/9, hầu hết các tàu thuyền đánh bắt trên biển của tỉnh Ninh Bình đã vào nơi tránh trú bão an toàn, một số thuyền bè nhỏ cào giắt, thả lồng gần bờ cũng đã được kêu gọi vào nơi tránh trú bão.

Theo thống kê của tỉnh Ninh Bình, có hơn 100 tàu thuyền với gần 250 ngư dân đã vào bờ tránh trú bão an toàn. Một số tàu thuyền chưa vào bờ kịp cũng đã tìm nơi trú bão và đã liên hệ về với Ban PCTT và TKCN của địa phương.

Hầu hết các tàu tuyền của Ninh Bình đã vào bờ trú ẩn an toàn
Hầu hết các tàu tuyền của Ninh Bình đã vào bờ trú ẩn an toàn

Huyện Kim Sơn có các xã mép nước như: Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung… đều sẵn sàng ứng phó với cơn bão. Về phía chính quyền, sau khi nhận được công điện của Ban chỉ đạo PCTT và TKCN tỉnh Ninh Bình đã chủ động các trang thiết bị, phương tiện và người túc trực theo dõi diễn biến của cơn bão 24/24 giờ để có kế hoạch ứng phó.

Tại xã Kim Đông, nơi có nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, người dân đã mua lưới vây quanh các khu nuôi tôm, cua để tránh tình trạng nước dâng cao các loại thủy sản nuôi trồng bị trôi ra bên ngoài. Một số hộ dân nuôi thủy cầm cũng đã chủ động nhốt, chuyển vật nuôi đến nơi an toàn.

Người dân khẩn trương di dời các vật dụng, tàu bè lên bờ tránh bão.
Người dân khẩn trương di dời các vật dụng, tàu bè lên bờ tránh bão.

UBND xã Kim Trung đã hợp động với 1 xe khách và 1 xe tải để sẵn sàng ứng phó khi lệnh di dân khẩn cấp xảy ra. Sau khi nắm bắt được thông tin về cơn bão, nhiều người đang nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê Bình Minh của xã này cũng đã chủ động che chắn nhà cửa, chằng chống để đối phó với gió, mưa bão.

Theo chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Ninh Bình, trước giờ bão đổ bộ, toàn bộ người dân ở khi vực từ ngoài đê Bình Mình đến Cồn Nổi phải được di dời hết vào trong đê để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Anh Đinh Văn Linh cho biết: “Cơn bão số 1 tuy không bị thiệt hại gì nhiều nhưng không vì thế mà chủ quan với dạng thời tiết cực đoan được. Gia đình tôi luôn chủ động với mọi tình huống để tránh thiệt hại về tải sản cũng như người khi bão đổ bộ”.

Chằng chống nhà cửa chắc chắn tránh gây thiệt hại.
Chằng chống nhà cửa chắc chắn tránh gây thiệt hại.
Một ngôi nhà được dùng lưới buộc chặt phía trên tránh gió bão làm tốc mái
Một ngôi nhà được dùng lưới buộc chặt phía trên tránh gió bão làm tốc mái

Chiều 18/8, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Ninh Bình tiếp tục có công điện khẩn gửi các đơn vị địa phương trên địa bàn. Theo đó, Ban chỉ huy yêu cầu: Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, thông báo cho các chủ tàu có phương tiện đánh bắt ngoài khơi tìm nơi tránh trú an toàn.

Tạm dừng hoạt động các tuyến đò ngang, đò dọc kể từ 7h00 ngày 19/8. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi diễn biến của bão số 3, thường xuyên báo cáo tình hình về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh...

Ghi nhận của PV Dân trí tối 18/8 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã bắt đầu có mưa to, gió ở cấp 5 cấp 6. Chiều cùng ngày, nước ngoài đê Bình Minh III đã dâng cao hơn, theo nhiều ngư dân thời điểm mưa bão bắt đầu cũng là lúc thủy triều lên, do vậy nước biển dâng cao không có gì bất thường, lo lắng nhất là thời điểm bão đổ bộ vào ngày mai cũng đúng vào lúc triều cường dâng cao rất nguy hiểm.

Người dân ở ngoài đê Bình Minh được di dời trước giờ bão đổ bộ.
Người dân ở ngoài đê Bình Minh được di dời trước giờ bão đổ bộ.

Thanh Hoá: Khẩn trương ứng phó với cơn bão số 3

Đến cuối giờ chiều 18/8, tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi toàn bộ tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển vào khu vực trú bão. Đồng thời, các địa phương triển khai nhiều phương án nhằm ứng phó với cơn bão số 3.

Để ứng phó trước những diễn biến của cơn bão số 3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện khẩn số 08/CĐ-UBND ngày 18/8, đến các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan ban ngành, yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó có hiệu quả.

Tàu thuyền của ngư dân Thanh Hóa cơ bản đã vào nơi tránh trú bão
Tàu thuyền của ngư dân Thanh Hóa cơ bản đã vào nơi tránh trú bão

Tuyệt đối nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, đồng thời kêu gọi phương tiện về nơi tránh trú an toàn. Các huyện miền núi chủ động tổ chức di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực nguy hiểm như ven sông suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất…

Hiện tại công tác chuẩn bị, ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang được tiến hành gấp rút, đặc biệt là tại các huyện ven biển như Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Hậu Lộc, Nga Sơn, thị xã Sầm Sơn.

Khẩn trương ứng phó với cơn bão số 3 - 7
Ngư dân chằng chống tàu thuyền
Ngư dân chằng chống tàu thuyền

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, nhiều địa phương ven biển của tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3.

Tại khu vực Cảng Hới, phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, hàng trăm tàu, thuyền đã neo đậu tại từ nhiều ngày nay. Theo quan sát thì nhiều tàu cá đang đậu tại khu vực cảng để chuẩn bị vào âu thuyền để trú ẩn.

Hầu hết các chủ tàu đã nhận được thông báo của lực lượng chức năng về nơi trú ẩn an toàn. Do nước thủy triều rút nên ở âu thuyền nước cạn, các tàu, thuyền lớn vẫn chưa vào âu thuyền trú ẩn được phải đợi đến chiều tối sẽ vào nơi trú ẩn an toàn.

Thu dọn muối về để tránh bão
Thu dọn muối về để tránh bão
Yêu cầu không cho chủ chòi nuôi ở lại ngoài bãi nuôi
Yêu cầu không cho chủ chòi nuôi ở lại ngoài bãi nuôi

Tại huyện Tĩnh Gia, có tổng cộng 2.260 phương tiện tham gia đánh bắt thủy hải sản, cơ bản đã vào nơi trú ẩn an toàn.

Tính đến 18h ngày 18/8, đã có tổng cộng 7.049 phương tiện với 24.973 lao động đã di chuyển vào bờ hoặc tìm được nơi neo đậu an toàn.

Chuẩn bị dụng cụ để neo đậu tàu thuyền
Chuẩn bị dụng cụ để neo đậu tàu thuyền

Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa có 7.700 ha nuôi trồng thủy hải sản. Trong đó có 1.500 ha nuôi ngao, 4.100ha nuôi tôm hơn và hơn 2.000 lồng cá ở khu vực Nghi Sơn, Tĩnh Gia. Để hạn chế tối đa thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương đang gấp rút kêu gọi, yêu cầu các hộ nuôi di dời các lồng bè về vị trí an toàn, tuyệt đối không cho chủ nuôi ở lại theo dõi nhằm tránh nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra.

Ngư dân đang hối hả nhằm ứng phó với cơn bão số 3
Ngư dân đang hối hả nhằm ứng phó với cơn bão số 3

Tàu thuyền lai dắt nhau vào nơi tránh trú bão
Tàu thuyền lai dắt nhau vào nơi tránh trú bão
Hiện, một số địa phương ven biển đã xuất hiện mưa và gió nhẹ
Hiện, một số địa phương ven biển đã xuất hiện mưa và gió nhẹ

Thái Bá - Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm